Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với lừa đảo, trộm cắp vặt

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Giáp Tết Nguyên đán thường là thời điểm gia tăng các đối tượng hoạt động phạm tội cướp, trộm cắp tài sản.

Một trong những thủ đoạn mà người dân cần đề phòng là các đối tượng giả danh nhân viên bán hàng hoặc giả người đang gặp hoạn nạn để vào nhà tìm cơ hội lừa đảo, trộm cắp tài sản…

Người người đổ về bến xe để về quê ăn Tết tạo điều kiện cho bọn trộm cắp, móc túi (Ảnh: Giáo dục)

Với thủ đoạn trên, người vừa mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian là bà Giang Thị T. (64 tuổi, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bà T. cho biết, vừa cuối tháng 12/2016, sau khi mua tạp phẩm, đi bộ về gần nhà thì có một thanh niên ăn mặc lịch sự, dáng vẻ hiền lành đi theo bắt chuyện. Anh ta cho biết đang bị CSGT giữ xe vì vi phạm luật giao thông tại ngã tư cầu Mai Động (gần nơi bà T. sống). Bị phạt 1 triệu đồng, không đủ tiền nên tìm người quen để vay tiền nộp phạt. Anh ta tiếp tục giới thiệu mình sống gần cầu Trung Hà, huyện Sóc Sơn, đã có lần đưa bạn đến khu vực này chơi với người thân... Vừa kịp lúc đến cửa nhà, anh ta nhanh nhẹn đỡ gói tạp phẩm và bén gót bà T. vào trong nhà. Như “ma xui, quỷ khiến”, bà T. chỉ nghĩ đến Trung Hà là quê con rể mình liền đưa toàn bộ số tiền trong túi gồm 750.000 đồng cho gã thanh niên. Người này tiếp tục “xin” bà lấy thêm tiền cho vay và khi thấy có xe máy dựng trong nhà, liền “xin” đèo hắn ra chỗ nộp phạt... Vẫn chưa định thần, bà T. gọi với lên cho đứa cháu trai trên nhà lấy thêm tiền. Thấy bóng dáng người nhà bà T., gã thanh niên lập tức tháo lui ra cửa và nhanh chóng biến mất… Như bừng tỉnh, bà T. nhờ cháu đưa ra chốt CSGT để dò hỏi thì được biết không có trường hợp nào với hình dáng như vậy bị phạt vi phạm giao thông với số tiền nêu trên. Biết bị lừa, bà T. hoảng hồn khi nghĩ đến đề nghị dùng xe máy đưa gã thanh niên ra đường… Mới đây, trong xóm bà T. có trường hợp bị nhân viên bán chế phẩm thông tắc bể phốt lừa đảo mua hàng với giá cao gấp 5 - 6 lần giá thị trường. Bà T. rất cảnh giác với các nhóm bán hàng dạo, tuy nhiên lại mắc bẫy kẻ gian với trường hợp này.
Tìm hiểu thủ đoạn trộm cắp, lừa đảo hình thức trên, một cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: Các trường hợp lừa đảo này không mới và cũng không phải là hiếm. Khu vực hoạt động của loại đối tượng này là các khu dân cư xa trung tâm, các ngõ, ngách vắng người sinh sống, những hộ dân biệt lập. Ngoài trò nhận làm người quen hay nhân viên tiếp thị, có đối tượng còn vờ vào nhà xin uống nước, rửa tay, đi vệ sinh, thậm chí vờ bị tai nạn giao thông để tìm mọi cách xin vào trong nhà “con mồi”. Nguy hiểm hơn, khi thấy trong nhà chỉ có người già, con trẻ, các đối tượng có thể manh động khống chế, cướp tài sản… Trong một số vụ việc, các đối tượng còn dò la, tìm hiểu rất kỹ về thân nhân gia đình, nhằm tạo lòng tin đối với người ở nhà (thường là người già hoặc trẻ em), nên biết được số điện thoại, quê quán của gia chủ. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức, dặn dò rõ người già, trẻ em tuyệt đối không cho người lạ vào nhà, nhất là vào thời điểm cuối năm.