Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh giác với thủ đoạn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 6/6/2013, Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, đơn vị vừa phá thành công vụ lừa đảo qua tin nhắn với thủ đoạn mới có quy mô lớn.

 Cảnh giác với thủ đoạn mới - Ảnh 1
 
Tang vật vụ án (ảnh cơ quan điều tra cung cấp).
 
Qua vụ việc này, cảnh báo tới nhà mạng cũng như khách hàng cần có thái độ phòng ngừa trước các dịch vụ viễn thông mang dấu hiệu lừa đảo.Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với 3 đối tượng Mai Việt Hưng (SN 1984, trú tại số 38 ngõ 51 Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội); Lê Phan Anh Tuấn (SN 1983, trú tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, Từ Liêm, Hà Nội) và Võ Mạnh Hùng (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 

Kết quả điều tra, cho thấy, 3 đối tượng trên thành lập Công ty CP Truyền thông SSC (SSC) do Tuấn làm Giám đốc, Hùng làm Phó Giám đốc và Hưng làm kế toán. Ngày 16/1/2012, Tuấn đại diện cho SSC ký hợp đồng với Bùi Chí Thanh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Truyền thông Đại Dương Xanh về hợp đồng kinh doanh đầu số với nội dung ghi rõ SSC không được sử dụng tin nhắn quảng bá đến thuê bao của khách hàng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2012, SSC sử dụng tin nhắn rác để quảng bá đến thuê bao của khách hàng. Trong số những tin nhắn này với nội dung lừa đảo khách hàng tin đó là thật, nhằm chèo kéo họ soạn tin nhắn gửi về đầu số 6393. Mỗi tin nhắn của khách hàng phản hồi về đầu số 6393, tài khoản của khách hàng ngay lập tức sẽ bị trừ 3.000 đồng, trong đó nhà mạng giữ lại 60%, còn 40% của Công ty Đại Dương Xanh và SSC. Số tiền này Đại Dương Xanh hưởng 15% và 85% thuộc về SSC. 

Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an quận Đống Đa) đã tiến hành xác minh và làm việc với Công ty CP Thông tin và Truyền thông Đại Dương Xanh và được biết, công ty này ký hợp đồng với 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone, Viettel về cung cấp sử dụng đầu số 6393. Các đối tượng trong vụ án thừa nhận việc sử dụng tin nhắn rác với nội dung không có thật quảng bá đến các thuê bao di động của khách hàng nhằm mục đích lừa đảo để khách hàng tin đó là sự thật và nhắn tin lại đầu số 6393 với cú pháp đã hướng dẫn trong tin nhắn, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản thuê bao của khách hàng phù hợp với tài liệu thu thập của vụ án. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xác định bị hại của vụ án này thế nào? Đại tá Bùi Văn Đại cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các nội dung lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp để xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp vì lý do khách quan, người bị hại do sống ở nước ngoài, không xác định được người bị hại cụ thể... nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc không xác định đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật. Công an quận Đống Đa xác định số tiền SSC sử dụng tin nhắn có nội dung lừa đảo đến thuê bao của khách hàng để khách hàng tin đó là sự thật gửi tin nhắn phản hồi về đầu số 6393 là số tiền bị hại bị chiếm đoạt.Cơ quan công an xác định, với chiêu thức lừa gạt này, SSC đã chiếm đoạt 247 triệu đồng từ 82.405 lượt thuê bao khi nhắn tin về đầu số 6393.