Trong những ngày qua, phóng sự "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói shisha" phát sóng ngày 27/3 trên VTC 14, mô tả cận cảnh học sinh hút shisha đã gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý hơn khi người xem có thể thấy rõ gương mặt những học sinh tham gia phóng sự cũng như logo nhà trường không hề được che mờ.
Cụ thể vụ việc bắt đầu khi vào cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên của VTC 14 có đề nghị một số học sinh lớp 10 của các Trường THPT Trần Nhân Tông, THPT Việt - Đức và một trường THPT dân lập trên địa bàn Hà Nội tham gia ghi hình cho phóng sự truyền hình về hiện tượng học sinh sử dụng shisha. Để thực hiện phóng sự của mình, phóng viên đã trả tiền cho bình shisha và yêu cầu các em học sinh "diễn" cảnh hút ngay trước ống kính máy quay.
Sau khi phóng sự trên được phát sóng, do thấy rõ mặt học sinh cùng logo nhà trường, các trường có liên quan đã yêu cầu những học sinh trên giải trình về hành động của mình. Các học sinh này cho biết, trước khi thực hiện yêu cầu của phóng viên VTC 14, các em đều được nói trước rằng đây nhân vật trong phóng sự chỉ mang tính minh họa, đồng thời khi lên hình mặt và logo nhà trường sẽ được che mờ. Tuy nhiên khi phóng sự được trình chiếu, sự thật đã hoàn toàn ngược lại, không những thế một số nội dung phóng viên VTC 14 có phỏng vấn các học sinh này đã bị cắt bỏ.
Khi sự việc trên gặp phải nhiều phản ứng trái chiều của dư luận chính phóng viên trực tiếp thực hiện phóng sự này đã đăng tải lời xin lỗi trên trang cá nhân của mình nhưng chỉ thừa nhận đây là sai sót nghiệp vụ còn bản thân không hề vi phạm đạo đức nghề báo. Đồng thời phát ngôn của những người đứng đầu VTC 14 cũng chỉ thừa nhận sự cố đáng tiếc ở đây chỉ là không che mờ gương mặt học sinh cũng như logo của trường.
Tuy nhiên sau khi nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ phía nhà trường, phụ huynh học sinh trong phóng sự cùng ý kiến của dư luận, tối 4/4 vừa qua, VTC 14 đã chính thức nói lời xin lỗi trên chương trình phát sóng của mình.
VTC14 thừa nhận có những lỗi sai trong quá trình tác nghiệp, trong đó ê kíp sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sử dụng thông tin và hình ảnh ghi hình, phát sóng đối với người vị thành niên. Đặc biệt, ê kíp sản xuất đã mắc sai sót, không làm mờ nhận diện cá nhân của các em học sinh khi phát sóng chương trình. Những lỗi nghiệp vụ này đã dẫn tới những suy diễn sai về tư cách đạo đức của các em học sinh xuất hiện trong chương trình và tác động tiêu cực đến cuộc sống và học tập của các em, nhất là khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ban biên tập VTC14 cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến các em học sinh đã tham gia xuất hiện, trả lời phỏng vấn trong chương trình, tới gia đình các em, về những tác động không mong muốn đó. Đồng thời ban lãnh đạo VTC14 cho biết đã kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc ở tất cả các khâu, từ ghi hình hiện trường, biên tập hình ảnh, hậu kỳ, cho đến duyệt phát sóng và lãnh đạo thẩm định. Ngoài ra ê kíp thực hiện phóng sự trên đã bị tạm đình chỉ hoạt động để xem xét xử lý theo quy định".
Mặc dù vậy đa phần ý kiến của những người đã xem qua phóng sự trên đều cho rằng đây là lời xin lỗi chưa thỏa đáng, không trả lời được tại sao các đoạn phỏng vấn học sinh bị cắt xén khi lên hình hay giải thích tại sao trong chương trình phát sóng lại không ghi rõ rằng những học sinh này chỉ được mời đến để minh họa.
Theo ý kiến của các luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), cách làm của VTC 14 không chỉ vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm pháp luật. Việc thể hiện rõ mặt, bảng tên của các học sinh dù trước đó đã thống nhất che mờ đã là vi phạm về quyền nhân thân trong sử dụng hình ảnh cá nhân quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự.
Đặc biệt hơn, đây là chương trình dàn dựng tức có kịch bản, phân vai, chỉ đạo… cho từng người để thể hiện được nội dung của câu chuyện nhưng phóng viên đã biến thành dạng phóng sự điều tra, tức phản ánh thực trạng xã hội. Đối với vi phạm liên quan đến đạo đức, nghề nghiệp phóng viên thì phải bị xử lý theo các quy định của nghề nghiệp, luật sư Công cho biết.
Ngoài ra, với việc xâm hại đến hình ảnh cá nhân, gây ra việc hiểu nhầm cho các học sinh dẫn đến tổn thất về tinh thần, sức khỏe của họ thì phóng viên còn phải bị bồi thường thiệt hại theo quy định tại Đ.307 Bộ luật dân sự, luật sư Công nhấn mạnh thêm.
Còn theo luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP HCM), các em học sinh, nhà trường hoàn toàn có quyền yêu cầu nhà đài công khai xin lỗi, phát sóng cải chính và bồi thường thiệt hại nếu có. Đồng thời hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác một cách nghiêm trọng của VTC 14, các cơ quan hữu quan cần xử lý nghiêm, không thể để vấn đề này thành tiền lệ xấu.
Đến lúc này, chắc chắn lời xin lỗi mà VTC 14 đã đưa ra là không đủ và chưa thực sự hợp lý, hợp tình. Thay vì đổ lỗi cho sai sót nghiệp vụ, kênh truyền hình này còn cần phải đưa ra câu trả lời liệu rằng mình có cố tình "cài bẫy" các học sinh để thực hiện chương trình của mình? Và VTC 14 sẽ giải quyết như thế nào đối với những ảnh hưởng về mặt tâm lý cũng như nhìn nhận của gia đình, bạn bè đối với các học sinh trên trong suốt những năm tháng về sau?
Cũng qua sự việc trên đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh về cái tâm của người làm báo. Không những vậy, đây còn là một cách làm phản tác dụng, đáng lên án đối với những người làm truyền thông khi lợi dụng sự ngây thơ của con trẻ nhằm phục vụ cho mục đích của mình.
Cảnh học sinh hút shisha trong phóng sự của VTC14
|