KTĐT - Thông tư 04/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành ngày 10/3 vừa qua (trong đó có quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi rút trước hạn) được cho là sẽ chấm dứt cuộc đua lãi suất huy động VND tại các ngân hàng thương mại hiện nay.
Hiện nay, mức lãi suất không kỳ hạn phổ biến tại các ngân hàng thương mại đang dao động trong khoảng 2,4 - 3,6%/năm. Đáng chú ý, mức lãi suất kịch trần 14%/năm được nhiều ngân hàng áp dụng cho cả kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần. Với kỳ hạn 1 tháng, nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất cao ngất ngưởng từ 12,8 - 14%/năm.
Trước đây, khi đến hạn mà khách hàng không ra rút tiền, các ngân hàng thương mại chỉ tự động chuyển sổ tiết kiệm của khách hàng thêm một chu kỳ mới (cùng loại kỳ hạn ban đầu), đến kỳ tiếp theo, nếu muốn tiếp tục gửi, khách hàng buộc phải ra ngân hàng để đổi sổ, nếu không sẽ bị chuyển sang loại không kỳ hạn.
Nhưng đến nay, theo quy định mới, ngân hàng sẽ liên tục tự động chuyển sổ tiết kiệm của khách hàng sang chu kỳ mới, cho đến khi nào khách hàng có yêu cầu khác. Như vậy, sự linh hoạt của các sản phẩm tiết kiệm và các mức lãi suất (hiện đều gần mức trần 14%/năm) sẽ vẫn cho người gửi tiền nhiều lựa chọn.
Không những thế, theo các chuyên gia thì các ngân hàng thương mại đã tận dụng dòng sản phẩm rút gốc linh hoạt trước đây để “lách” quy định chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 15/2009/TT-NHNN). Với sản phẩm này, khách hàng có thể rút tiền gửi bất cứ lúc nào (trừ số tiền lớn tới tiền tỷ) mà vẫn được hưởng mức lãi suất theo thời gian thực gửi nên theo các chuyên gia thì phải xếp sản phầm này vào loại tiền gửi không kỳ hạn. Thực chất, khi gửi tiền mà được rút gốc linh hoạt, phần lợi chủ yếu thuộc về khách hàng vì có thể rút bất cứ lúc nào (thậm chí chuyển sang gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác với mức lãi suất cao hơn) mà vẫn không bị ngân hàng áp theo lãi suất không kỳ hạn. Người gửi tiền cũng vì thế mà chọn lựa sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt này. Vô hình chung, ngân hàng thương mại nhận lấy khó khăn về thanh khoản khi phải trả lãi cao cho khách hàng rút trước hạn.
Do tính linh hoạt thái quá của dòng sản phầm này mà ngân hàng cũng khó hút vốn trung-dài hạn. Để gia tăng tiền gửi và giữ khách, các ngân hàng buộc phải chạy đua huy động vốn bằng các chiêu như thỏa thuận ngầm hoặc “mặc cả” lãi suất với khách hàng. Từ đó nảy sinh những bất ổn trên thị trường do cạnh tranh lãi suất.
Với Thông tư 04 mà Ngân hàng Nhà nước mới ban hành, theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối Ngân hàng TMCP Quốc tế, đây là hành động nhằm mục đích bình ổn mặt bằng lãi suất của thị trường, tránh sự cạnh tranh không minh bạch giữa các ngân hàng. Người gửi tiền cũng không còn cơ hội “lướt sóng” tiền gửi tiết kiệm, theo kiểu đứng núi này trông núi nọ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện tâm lý lo ngại lạm phát cao vẫn tồn tại trong đa số người dân nên hiện tượng gửi tiết kiệm có kỳ hạn siêu ngắn sẽ có nguy cơ tăng. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại (phần vì các ngân hàng muốn cho vay trung và dài hạn là chủ yếu trong khi tiền gửi kỳ hạn ngắn lại được nhiều khách hàng chọn lựa). Chưa kể, mức trần lãi suất 14%/năm cũng đang là rào cản đối với các ngân hàng trong việc hút vốn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cũng thừa nhận, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin trong dân. Chính phủ và NHNN đã và đang có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát lạm phát, các ngân hàng thương mại cần đồng lòng đưa lãi suất huy động về với quy luật: kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Khách hàng khi gửi tiền tại ngân hàng cũng nên cân nhắc, chọn lựa kỹ kỳ hạn gửi phù hợp với nhu cầu sử dụng tiền của mình, tránh bị áp mức lãi suất thấp khi phải rút trước hạn.