Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cạnh tranh ngoài, tranh thủ trong

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao lần thứ 6 giữa Nhật Bản và các nước châu Phi của khuôn khổ diễn đàn đối thoại và hợp tác Hội nghị quốc tế ở Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) năm nay lần đầu tiên được tổ chức ở châu Phi, tại thủ đô Nairobi của Kenya.

Cả 5 lần trước kể từ khi khuôn khổ diễn đàn này được thiết lập năm 1993 đến nay đều diễn ra ở Nhật Bản. Vì vậy, chỉ riêng việc lần đầu tiên tổ chức ở châu Phi được Nhật Bản chủ ý để phát đi thông điệp tranh thủ và chinh phục châu lục. Mỹ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều đối tác bên ngoài khác nữa đều đã thiết lập khuôn khổ hợp tác tương tự với châu Phi, nhưng không ai sớm bằng Nhật Bản. Dù vậy, kết quả mà Nhật Bản đã đạt được lại không bằng một số đối tác kia, đặc biệt so với Trung Quốc. Ở hội nghị cấp cao lần thứ 6 này, Nhật Bản đưa ra định hướng chiến lược và cách tiếp cận mới. Định hướng của Nhật Bản là ganh đua quyết liệt với các đối tác bên ngoài và tranh thủ tối đa các nước châu Phi. Cách tiếp cận mới của Nhật Bản trong quan hệ hợp tác với châu Phi là gây dựng bản sắc riêng. Giống như Ấn Độ, lợi ích của Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi là nguồn cung ứng nguyên vật liệu, năng lượng, thị trường tiêu thụ hàng hóa và sự ủng hộ chính trị của các nước châu Phi cho tham vọng trở thành Ủy viên Thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc - sau khi được cải tổ.
Thủ tưởng Sin-dô A-bê tại Kê-ni-a hôm 26-8. Ảnh: AP
Thủ tưởng Sin-dô A-bê tại Kê-ni-a hôm 26-8. Ảnh: AP
Tại hội nghị lần này, Nhật Bản sử dụng chủ bài viện trợ phát triển và đầu tư trực tiếp như Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố đầu tư 30 tỷ USD trong thời gian 3 năm tới vào châu Phi. Ở hội nghị lần trước cách đây 3 năm, Nhật Bản cam kết đầu tư 32 tỷ USD vào châu Phi và giờ ông Abe cho biết đã giải ngân và thực hiện được 67%. Khác so với Trung Quốc tập trung nhiều vào mua đất đai, xây dựng những công trình mang biểu tượng chính trị và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng do các hãng và lao động người Trung Quốc thực hiện, Nhật Bản cũng tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng nhưng không nhằm vào cả mục tiêu xuất khẩu lao động, đồng thời định hướng vào phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc y tế, tăng năng suất lao động... cho các nước châu Phi, nhấn mạnh và coi trọng "chất lượng hợp tác". Đó là cách thức Nhật Bản cạnh tranh với Trung Quốc giành vai trò và ảnh hưởng ở châu Phi bằng chính những thế mạnh của Trung Quốc và bằng cách gây dựng những lợi thế riêng, không cạnh tranh bằng mọi giá và trên tất cả mọi lĩnh vực.

Châu Phi được Chính phủ của ông Abe ở Nhật Bản dành cho ưu tiên chính sách cao hơn và sự coi trọng đặc biệt hơn trước. Các nước châu Phi giờ đủ thực dụng và khôn khéo để tận lợi tối đa từ tình thế được nhiều đối tác bên ngoài tranh thủ như hiện tại. Nhưng rõ ràng là họ có nhiều thuận lợi và dễ dàng hơn trong hợp tác với Nhật Bản.