Trò chuyện với những HLV ngoại đang tác nghiệp tại Việt Nam, họ đều có chung quan điểm là nếu có thể, hãy nâng số lượng đội dự giải, ít nhất là lên 16 đội. Điều này cũng có lý bởi đa phần các giải đấu lớn trên thế giới như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp… đều đang có từ 18 đến 20 đội bóng.
Tuy nhiên, ở điều kiện hiện tại, việc duy trì 14 đội ở V.League hay hạng Nhất cũng đã là nỗ lực rất lớn của VFF cũng như các nhà làm bóng đá. Số lượng đội bóng chưa đông nên khoảng cách giữa các đội thường hẹp. Như nhiều mùa giải trước, chỉ qua vòng đấu cuối cùng, việc một đội bóng có thể từ vị trí tranh chấp huy chương rớt thẳng xuống nửa dưới BXH là rất bình thường. Như cách diễn đạt khá dí dỏm của HLV Robert Lim (Vissai Ninh Bình) thì hiện tại, khoảng cách giữa một đội trong tốp đầu với một đội đứng giữa BXH chỉ như “chiếc móng tay”.
Đó là lý do khách quan và chắc chắn chúng ta sẽ phải tìm được cách khắc phục. Điều BĐVN còn thiếu chỉ là thời gian, dù ai cũng thừa nhận tốc độ phát triển nền bóng đá trong nước đã khiến cả khu vực phải sửng sốt. Nhưng về khái niệm “ranh giới cao - thấp” tại BĐVN, nhất là V.League lại có những lý do chủ quan đặc thù khác.
Lấy BXH V.League 2010 trước vòng 3 làm ví dụ. Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kẻ “thét ra lửa” một thời, đang xếp chót bảng. Sau 2 trận toàn thua, Đội bóng phố Núi đang kém điểm cả Lam Sơn Thanh Hóa (LS.TH), đội bị cho là chưa có đến 10% trụ hạng. HAGL còn kém cả Navi Bank Sài Gòn (N.SG), đội đã phải hết sức chật vật mới tiếp tục góp mặt tại V.League mùa này. Ở phía trên, Hòa Phát Hà Nội (HP.HN) đang đứng ở vị trí thứ Năm, trong khi Sông Lam Nghệ An (SLNA) tạm xếp thứ Bẩy còn Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) ở vị trí thứ Tám. Nhưng liệu HAGL có thật sự thua kém LS.TH, N.SG hoặc HP.HN có thực lực cao hơn SLNA hay ĐT.LA? Câu trả lời chắc chắn là: “Không”! Bởi biết đâu, ngay sau vòng đấu này, HAGL có khi lại vươn lên giữa bảng, hay HP.HN sẽ mất vị trí trong Top 5 về tay ĐT.LA. Ở đây, số lượng đội bóng tham gia ít chỉ là một lý do. Nhìn từ khía cạnh khác, chính sự thiếu ổn định ở nội tại mỗi đội bóng mới là nguyên nhân chính.
V.League đang ở năm thứ 10. Nếu nhìn lại V.League gần một thập kỷ trước, tất cả sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng BĐVN đã bay xa như thế nào cả về quy mô lẫn tầm vóc. Nhưng ngay cả khi nhận được sự khâm phục của quốc tế khi coi V.League là giải đấu hấp dẫn hàng đầu khu vực, rõ ràng chúng ta vẫn còn tồn tại không ít vấn đề. Dường như bản thân các đội bóng chưa đạt được sự phát triển đồng bộ. Dễ thấy nhất là tính ổn định vẫn còn quá mong manh. HAGL ở mùa giải trước là một ví dụ điển hình và Hà Nội T&T cũng thế. Tất nhiên, để trở thành những đội bóng lớn thực sự theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó liên quan đến rất nhiều khía cạnh từ nguồn lực tài chính, chiến lược, tham vọng, đào tạo trẻ…
Đã có những tín hiệu lạc quan cho tương lai gần của BĐVN. Bởi, dù đang khá phập phù, nhưng HAGL đang trên đường trở thành hình mẫu hoàn thiện nhất cho mô hình CLB bóng đá chuyên nghiệp. B.BD cũng bắt đầu cho thấy sự ổn định cao, chứ không còn là một “đại gia” vung tiền bừa bãi để “mua” danh hiệu nữa. Bên cạnh đó, những chiến lược hợp tác quốc tế của N.SG, V.NB, HN T&T, K.KH… cũng đang âm thầm tạo ra biến chuyển tích cực ngầm. V.League vẫn đang lớn lên từng ngày và sẽ đến lúc đạt được tầm cao xứng đáng, như chính tiềm năng bóng đá dồi dào của chúng ta.