Theo đó, từ đầu năm 2014, Công ty Yên Khánh sẽ được thu phí tại 4 trạm thu phí hiện có trên tuyến đường gồm trạm Chợ Đệm, trạm Tân An, trạm Bến Lức, trạm Thân Cửu Nghĩa đồng thời đơn vị này cũng phải có trách nhiệm thanh toán thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng, trong đó đợt 1 là 40% giá trị hợp đồng được trả ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
|
Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Cửu Long CIMP) có trách nhiệm ký kết và quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương với Công ty Yên Khánh, thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận người lao động tại các trạm phu phí trên tuyến đường.
Tổng mức đầu tư tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương là gần 9.900 tỷ đồng. Sau khi tuyến đường đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã mua quyền thu phí đường cao tốc này với giá hơn 9.100 tỷ đồng để thu phí trong vòng 25 năm.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đơn vị này đã trả lại dự án cho Bộ Giao thông Vận tải. Từ đó đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nào mua lại quyền thu phí tuyến cao tốc này nên đã giao cho Cửu Long CPIM thu phí hộ cho Nhà nước từ ngày 25/2/2012.
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo bán đấu giá quyền thu phí sử dụng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải thông tin 30 ngày trước khi chính thức mở phiên bán đấu giá vào ngày 1/11.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương dài 39,8km đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 3/2/2010.
Theo số liệu của Cửu Long CPIM, số tiền thu phí tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương hiện nay đạt khoảng trên 1 tỷ đồng/ngày, lưu lượng xe các tháng đầu năm nay tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012.