Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi được rót thêm vốn

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án này.

Này 4/12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức  họp báo để thông tin về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
 Buổi họp báo để thông tin về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, sau khi tiếp nhận dự án từ Bộ Giao thông vận tải từ ngày 22/3/2019, toàn hệ thống chính trị của tỉnh Tiền Giang đã tích cực, khẩn trương triển khai các nội dung công việc theo chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, tăng 3.068 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải do điều chỉnh đơn giá vật liệu, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và bổ sung một số hạng mục công trình. Trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng.
Với nguồn vốn ngân sách, đến cuối tháng 11 vừa qua, sau khi tiếp nhận từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã có quyết định giao vốn nhà nước hỗ trợ dự án cho các đơn vị liên quan; trong đó, hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án trên 1.445 tỷ đồng và hoàn ứng ngân sách tỉnh trên 278 tỷ đồng, phần còn lại sẽ đầu tư cho các hạng mục khác của dự án.
 Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao mặt bằng tuyến chính, đảm bảo mặt bằng để doanh nghiệp dự án thi công.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao mặt bằng tuyến chính, đảm bảo mặt bằng để doanh nghiệp dự án thi công. Đồng thời, doanh nghiệp dự án đã tổ chức triển khai thi công 21/21 gói thầu xây lắp, lũy kế khối lượng thi công đạt khoảng 1.715 tỷ đồng, chiếm khoảng 27%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, so với tiến độ chi tiết đã ký ban đầu thì đến nay đã trễ, không còn thời gian dự phòng. Qua đó, nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã ký lại bảng kế hoạch tiến độ chi tiết triển khai dự án trên tinh thần bảo đảm dự án thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào ngày 30/4/2021.
“Tỉnh Tiền Giang sẽ đôn đốc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không tham nhũng, công khai minh bạch và an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: “Đây là nguồn vốn cần thiết và rất đúng lúc đối với chúng tôi. Một cú hích đầy hứng khởi để chúng tôi tiếp tục nỗ lực thực hiện dự án đúng như kế hoạch đề ra”. Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Thuỷ cũng cho rằng không thể chủ quan lơ là công việc, vẫn còn những khó khăn vướng mắc trước mắt mà Công ty phải tập trung giải quyết.
Đại diện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết thêm: Trên cơ sở một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào Quý II/2021, điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Để đảm bảo tiến độ này, chủ đầu tư cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan sẽ tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công 3 ca, không nghỉ ngày lễ, ngày Tết. 
Chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hứa sẽ đẩy mạnh tiến độ thi công sau khi được rót vốn.
Thời gian qua, khi nguồn vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỷ đồng và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được thu xếp cho dự án, nhưng bằng năng lực của nhà đầu tư và các nhà thầu thì dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có trên 50 cây cầu đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng so với 1 thập kỷ trước đó chỉ đạt 10%. Để có được những kết quả như trên, đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu. Chủ đầu tư dự án nhấn mạnh.
Được biết trong suốt thời gian qua, dự án triển khai chậm tiến độ do có nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó, chủ yếu nhất là nguồn vốn chưa được giải ngân đúng thời hạn, nên đến nay đã 10 năm từ khi triển khai nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài toàn tuyến là 51.1km, với với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần