Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bách lấy lại đà tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ hàng tồn kho.

Trên đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/10.

Xuất khẩu tăng thấp -  tồn kho tăng cao

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) bình quân 9 tháng qua đạt 9,3 tỷ USD/tháng, là mức cao nhất từ trước đến nay nhưng XK của các doanh nghiệp trong nước giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là áp lực  không nhỏ để hoàn thành mục tiêu XK những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu nhóm nông lâm thủy sản 9 tháng qua sụt giảm mạnh, khiến kim ngạch XK nhóm hàng này giảm hơn 1,8 tỷ USD. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết: Do thị trường XK bị thu hẹp trong khi hàng thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng thủy sản của các nước như Ấn Độ, Thái Lan; giá thức ăn thủy sản, giá cước vận tải tăng thêm 700 USD/công ten nơ trong khi giá bán thủy sản không tăng... nên mục tiêu XK 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm 2012 rất khó đạt.

Cấp bách lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 1
Ảnh: Ngọc Hà

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường. Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp XK tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn; điều chỉnh linh hoạt thuế xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy XK.

Giảm hàng tồn kho -  kiểm soát giá đầu vào

Cũng theo Bộ Công Thương, trong khi tăng trưởng XK không được như mong muốn, việc giải quyết hàng tồn kho chưa có dấu hiệu khả quan. Số liệu cho thấy, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm công nghiệp (CN) đến thời điểm này vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chỉ số tồn kho ngành CN chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, Bộ Công Thương đã có Đề án tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các DN. Hiện, Bộ đã giao Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo phối hợp với các DN, tập đoàn, tổng công ty giải quyết khó khăn về hàng tồn kho; giao Cục CN địa phương làm việc với các sở công thương các tỉnh phía Bắc, ĐBSCL và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để trực tiếp lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, ngay trong tháng 10 này Bộ sẽ tổ chức ký kết thỏa ước sử dụng sản phẩm của nhau giữa các DN trong ngành để giải quyết hàng tồn kho.Một trong những giải pháp thiết thực hỗ trợ DN lúc này là kiểm soát giá thành đầu vào phục vụ sản xuất.
 
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Về khả năng điều chỉnh giá điện cuối năm 2012 - đầu năm 2013, theo Quyết định 24/TTg, mỗi khi muốn điều chỉnh giá điện, liên bộ Công Thương - Tài chính phải lập đoàn kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, nếu muốn điều chỉnh giá điện cuối năm nay thì trước đó phải có kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh các năm 2010 - 2011 và đầu năm 2012 của EVN.

Cấp bách lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 2

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng

Liên quan đến việc tăng giá than cho điện từ 15/9, ông Đặng Huy Cường cho biết, trên cơ sở tính toán thông số đầu vào các nhà máy nhiệt điện của EVN, thời gian tới việc tính chi phí sản xuất than ảnh hưởng đến giá điện còn phải dựa vào chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN trong năm 2012 và Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tính toán cụ thể.

Hiện, Liên bộ đang yêu cầu EVN rà soát đưa ra dự báo giá thành sản xuất kinh doanh điện cho giai đoạn từ năm 2013 - 2015. "Tôi khẳng định trong tháng 10/2012, Bộ Công Thương chưa có chủ trương gì về việc điều chỉnh giá điện" - ông Cường cho biết.

Để giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước sản xuất, bản thân các doanh nghiệp ngành công thương có thể giải quyết khó khăn của chính mình khi triệt để sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, bởi đầu ra của doanh nghiệp này lại là đầu vào của doanh nghiệp khác.

Xung quanh câu hỏi về tình trạng tiêu thụ chậm mặt hàng xăng sinh học (XSH) trên thị trường, tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) Nguyễn Phú Cường cho biết: Mặc dù mang ý nghĩa lớn về góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng nhưng thực tế sản phẩm XSH còn chưa được người tiêu dùng cũng như xã hội nhận thức đầy đủ về ý nghĩa này. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và các ngành liên quan xây dựng dự thảo lộ trình bắt buộc sử dụng XSH đến năm 2015, 2020... Dự thảo này đang được trình Thủ tướng xem xét, hy vọng sẽ được phê duyệt sớm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ mặt hàng này.