Những điều bất cập
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) cho rằng: Hiện ngành thép không chỉ phải đối mặt với việc khó tiêu thụ sản phẩm mà còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, đặc biệt là thép Trung Quốc lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trong tháng 8, toàn ngành chỉ tiêu thụ được 350.000 tấn so với 500.000 - 600.000 tấn của tháng 7/2012, lượng thép tồn kho đã lên đến gần 400.000 tấn.
Do thị trường hàng dệt may trên thế giới giảm nên lượng hàng tồn kho ngành may trong nước tăng so với cùng kỳ. Ảnh: Trần Việt
Ở góc độ khác, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang phản ánh: Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo gặp khó khăn do Nghị định 109/NĐ-CP quy định cấp giấy phép không quá 100 đầu mối, điều này đã cản trở việc tiêu thụ lúa gạo của nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Các ngành hàng khác như may mặc, giấy, phân bón cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Thời điểm này, muốn tiêu thụ được hàng hóa, các DN phải tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, nhưng do thiếu vốn lưu động nên ngành dệt may không thể tổ chức những chương trình khuyến mại lớn. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng dệt may trên thị trường thế giới sụt giảm nên trong tháng 8/2012, chỉ tính riêng lượng hàng tồn kho của ngành may trang phục đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2011.
Nỗ lực tìm đầu ra
Nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, nhiều DN sản xuất thép đã tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các loại chi phí khác cho đại lý… Tuy nhiên, để đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ mặt hàng này, cơ quan chức năng cần tạo đầu ra cho thép bằng cách tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công, phục hồi thị trường bất động sản… Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát sau thông quan với sản phẩm thép thông thường và thép hợp kim. Bộ Công Thương nên xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép nước ngoài tràn vào Việt Nam…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho phép doanh nghiệp dệt may được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong vòng 3 - 6 tháng; Tăng tỷ lệ hoàn thuế VAT với hàng hóa xuất khẩu từ 10 - 15%, từ đó kích cầu tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người sản xuất, ngày 20/8, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ việc khống chế DN đầu mối xuất khẩu gạo. Thay vào đó, đề xuất Thủ tướng phê chuẩn việc cấp giấy phép xuất khẩu cho DN theo điều kiện, năng lực thực tế, với chỉ tiêu ràng buộc là tối thiểu 6.000 tấn/năm đối với mỗi DN xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Bộ đã có chủ trương triển khai các biện pháp hành chính bảo vệ sản xuất thép trong nước, hạn chế thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam thông qua quy định cấp giấy phép nhập khẩu thép tự động sẽ áp dụng từ ngày 20/9.
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hình thức chuỗi liên kết từ người sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đang thí điểm 12 mô hình tiêu thụ nông sản gắn theo chuỗi liên kết tại 12 tỉnh, thành phố và bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể.