Trong đơn tố cáo, TS Nguyễn Ngọc Thành - giảng viên ĐH BKHN nêu rõ, ông Trần Văn Tớp đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Ông Tớp đã chép lại gần như 100% các nội dung giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở diêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của PGS.PTS Võ Viết Đạn - khoa Hệ thống Điện của ĐH BKHN thành cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp: Quá điện áp & bảo vệ chống quá điện áp”, NXB Khoa học và Kỹ thuật, xuất bản năm 2007. Ông Thành khẳng định, giáo trình này là tài liệu quan trọng, cơ bản đã được các học viên cao học, các kỹ sư của rất nhiều khoa tại ĐH BKHN và nhiều trường ĐH khối kỹ thuật, công nghệ trong cả nước và các chuyên ngành điện cũng như các cán bộ kỹ thuật tham gia nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng đường dây 500Kv tham khảo. Trước phản ứng mạnh của dư luận, sáng 2/10, lãnh đạo Viện Điện và cán bộ tổ bộ môn Điện trực thuộc ĐH BKHN có buổi làm việc với các phóng viên. Tại đây, GS Lã Văn Út - nguyên Trưởng bộ môn Hệ thống Điện khẳng định, giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở diêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 chỉ là 1 trong 4 tập tài liệu bài giảng, bởi không được thông qua kiểm định hay đặt hàng. “Trước khi đường dây 500Kv và đường dây Bắc Nam được đưa vào vận hành, Bộ Năng lượng yêu cầu bộ môn chúng tôi bồi dưỡng cho một số lớp điều động quốc gia và kỹ sư vận hành. Trong hợp đồng, họ yêu cầu chúng tôi phải có tài liệu phát đến từng học viên và chúng tôi mỗi người soạn một tập với nội dung khác nhau, sau đó đánh máy và mang đi photocopy, đóng thành tập phát cho học viên và giảng viên bộ môn” - GS Út cho hay. Cũng theo GS Út, vì không phải là giáo trình, đứng về nguyên tắc không có bản quyền. Đứng về lý, càng không còn gì để tố cáo. Cuốn sách của ông Trần Văn Tớp có sự đặt hàng theo yêu cầu nội dung đào tạo nằm trong đề cương của khoa và trường. Giáo trình này trước khi được xuất bản đã có sự thẩm định của hội đồng. Giải đáp băn khoăn của báo chí về những trùng lắp trong sách của ông Trần Văn Tớp với tập tài liệu của cố PGS Võ Viết Đạn, GS Út cho rằng, cần có sự phân biệt rõ giữa sao chép sách giáo khoa (SGK), giáo trình với sao chép luận án và đề tài khoa học. Luận án và đề tài khoa học là sản phẩm của cá nhân nên chỉ cần sao chép một chút là phạm luật, còn SGK là tài liệu tập hợp kiến thức của nhân loại, càng cập nhật sớm bao nhiêu thì càng tốt. “Như vậy nói nội dung trong sách giống bao nhiêu phần trăm rất ít ý nghĩa đối với SGK. Ở SGK có nhiều thứ phải sao chép thật đúng, ví như định lý, định luật thì không thể thay đổi. Bây giờ đặt ra luật cấm sao chép thì rất khó” - ông Út phân tích. Tại buổi làm việc, các chuyên gia cũng cho biết, cuốn sách của ông Trần Văn Tớp có nhiều điều mới so với cuốn tài liệu của cố PGS Võ Viết Đạn. Nổi bật là 2 điểm: Cập nhật kiến thức về mô hình địa hình học để đánh giá vùng bảo vệ chống sét; Phân tích đánh giá hiệu quả phân pha của dây dẫn đối với các đường dây cao áp và siêu cao áp để nâng cao khả năng chuyển tải. Lời nói đầu trong cuốn sách của ông Tớp cũng đã đưa họ và tên của thầy Đạn vào như thế là khá đủ và rất trân trọng. TS Nguyễn Huy Phương - Viện trưởng Viện Điện ĐH BKHN cho hay, ngay sau khi Viện nhận được đơn tố cáo, Ban lãnh đạo Viện đã có buổi làm việc với tổ bộ môn. Ông Trần Văn Tớp đã có giải trình về những điểm mới, bổ sung trong cuốn sách của mình. Hiện tại trường đã gửi biên bản làm việc lên Bộ GD&ĐT để cơ quan chức năng của Bộ thẩm tra 2 cuốn này. Như vậy, đã có 2 cách lập luận và hiểu khác nhau về nội dung của cuốn sách của ông Trần Văn Tớp. Để làm rõ đúng, sai trong vấn đề này, dư luận đang rất mong chờ sự vào cuộc sớm của Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng.