Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp phép phổ biến ca khúc: Cửa quyền xin – cho

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vấn đề cấp phép lưu hành ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã làm “nóng” buổi họp báo thường kỳ quý I/2017 tại Bộ VHTT&DL chiều 12/4.

Sau gần 2 tiếng trả lời câu hỏi của báo chí, lãnh đạo Cục NTDB đã không thể làm thỏa mãn thắc mắc về việc“Con đường xưa em đi” có được cấp phép trở lại, tại sao những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn… được biểu diễn thường xuyên trong các chương trình kỷ niệm lớn của đất nước giờ vẫn phải xin phép lưu hành?

Xếp hàng chờ cấp phép

Mấy ngày nay, dư luận bị lạc vào ma trận thông tin khi các ca khúc thuộc dòng nhạc đỏ, nhạc nhẹ sáng tác trước năm 1975 như: “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn – Hà Nội”, “Suối mơ”, “Tiến về Hà Nội”… đều chưa được phép lưu hành. Lý do không được phép lưu hành được Cục NTBD đưa ra là vì trước kia chưa có Nghị định 15 (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) thì các Sở có thể chủ động cấp phép cho các ca khúc theo quy chế 32 và quy chế 47. Tuy nhiên sau khi Nghị định 15 ra đời, trong đó sửa đổi rất nhiều nội dung liên quan đến quyền tác giả thì việc cấp phép lưu hành các ca khúc đặc biệt chú trọng đến yếu tố phải có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu tác phẩm. Có nghĩa rằng các ca khúc này trước đây chưa được phép lưu hành nhưng do chưa có quy định trong Nghị định 15 nên các sở văn hóa vẫn có thẩm quyền cho lưu hành khi xét tác phẩm có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao.

Các ca sĩ thể hiện ca khúc trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn tưởng niệm 15 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn.

Hiện nay, xét theo yêu cầu Nghị định 15, rất nhiều ca khúc nổi tiếng rơi vào trường hợp như các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao… Theo danh sách của Cục NTBD mới có 2.587 ca khúc được Cục cấp phép phổ biến. Như vậy sẽ còn hàng nghìn, hoặc có thể là chục nghìn ca khúc sáng tác trước năm 1975 chưa chấp hành quy định của Nghị định 15 nên chưa thể lưu hành. Bằng chứng là trong danh mục của Cục chưa có một nhạc phẩm nào của nhạc sĩ Văn Cao được phép lưu hành, ngoại trừ ca khúc “Quốc ca”. Và không chỉ trường nhạc của nhạc sĩ Văn Cao, những nhạc phẩm của nhạc sĩ nổi tiếng khác như Đoàn Chuẩn, Từ Linh… cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Và cái lý của cơ quan quản lý

Một câu hỏi đặt ra trong dư luận là tại sao Cục NTBD lại làm khó cho các tác giả, gia đình tác giả cũng như đơn vị tổ chức bởi những ca khúc vốn dĩ đã ăn sâu vào đời sống âm nhạc. Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục NTBD cho rằng: “Việc cấp phép phổ biến các bài hát đã được nêu rõ trong nghị định của Chính phủ. Đây là quy định pháp luật và mọi tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ. Cục NTBD cũng không ngoại lệ”. Tuy nhiên, việc soạn thảo ra các quy định của Nghị định 15 xuất phát từ ý kiến của Bộ VHTT&DL, mà cụ thể ở đây là Cục NTBD.

Và cái lý cho sự cửa quyền này được Phó Cục trưởng Cục NTBD Đào Đăng Hoàn cho rằng: “Sau năm 1975 chủ trương của Đảng và Nhà nước là quét sạch sản phẩm văn hoá đồi truỵ và sau này đổi tên là những tác phẩm văn hoá ngoài luồng. Chính vì thế, từ năm 1989 trở đi, Bộ VHTT&DL bắt đầu cấp phép các bài hát cụ thể. Đến nay khoảng hơn 2.500 bài hát được cấp phép chúng tôi đã đăng lên website của Cục và của Bộ. Còn nhiều bài không phải không được cấp phép mà chưa được cấp phép”. Ông Hoàn cho rằng Cục NTBD không cửa quyền, mà là không thể lập được danh sách tất cả các bài hát cũ của miền Nam, phải thông qua danh sách xin phép để thẩm định cấp phép. “Nếu đúng thì chúng tôi cấp phép ngay. Trong hội đồng thẩm định khi bài hát nào có vấn đề thì chúng tôi đều có văn bản phản hồi bài hát đó” - ông Hoàn bày tỏ.

Theo danh sách 2.587 khúc được phép phổ biến của Cục cũng “mắc sạn”, nhạc phẩm của Văn Cao thì nhầm Văn Chung, nhiều ca khúc đã được phép nhưng bị bỏ lọt… Và lỗi của sự việc này lại bị đẩy cho người làm kỹ thuật… Thế mới thấy, cơ quan quản lý thì có quyền cấm, dừng; còn tác giả, chủ sở hữu tác phẩm… luôn bị động với những quy định đã được các đơn vị trói trong luật.q

Đối với tác phẩm “Con đường xưa em đi” (nhạc sĩ Châu Kỳ), “Đừng gọi anh bằng chú” (nhạc sĩ An Thy), sau khi thu thập được dữ liệu chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ và xem xét theo quy định. Nếu đủ các căn cứ quy định của pháp luật sẽ xem xét cho phép sử dụng tiếp hay không!

Ông Lê Minh Tuấn

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn