KTĐT - Chuyện chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ đang khá phổ biến tại chung cư ở khu vực Văn Quán, Đại Kim, Định Công... (Hà Nội). Nhiều gia đình ở những khu vực này đã mua nhà từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn cầm trong tay hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
Rất nhiều người muốn bán nhà để đổi sang vị trí khác cũng đành "bó tay" vì không có giấy chủ quyền, tìm khách mua nhà rất khó.
Cấp sổ đỏ... chờ chủ trương
Chị Tú Anh ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông cho biết, mặc dù đã về ở được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được làm "sổ đỏ". Sau rất nhiều lần gặp cơ quan chủ quản để đề xuất nhưng vẫn nhận được câu trả lời "chờ đợi". Sự chờ đợi ở đây theo sự lý giải của họ là chờ để làm "sổ đỏ" chung cho cả khu chung cư chứ không giải quyết từng trường hợp riêng lẻ. Một khách hàng đã mua nhà ở khu ĐTM Việt Hưng-Long Biên từ năm 2007 cho biết, anh đã nộp đủ giấy tờ nhưng nhiều tháng trôi qua vẫn chưa có thông tin gì về việc cấp sổ đỏ hay sổ hồng.
Còn chị Nguyễn Thị Thuỷ, nhà ở khu Định Công định vay tiền để mua ôtô cũng đành lắc đầu vì ngân hàng không chấp nhận khi giấy tờ chỉ là hợp đồng mua bán. Chị Thuỷ cho biết, chị từng đi hỏi chính quyền thì được quận, phường trả lời không có trách nhiệm vì chủ dự án chưa bàn giao cho TP. Chị đã từng viết đơn lên chủ đầu tư nhưng chẳng được hồi âm. Hỏi nhân viên phòng kinh doanh thì họ chỉ biết hẹn: "chờ chủ trương".
Một tình trạng khá phổ biến hiện nay là kiến thức của các khách hàng về việc đóng thuế hay làm giấy chủ quyền khi đã mua một sản phẩm nhà đất rất hạn chế. Chị Tuyết Minh, một khách hàng vừa mua căn hộ ở khu ĐTM Xa La tâm sự rằng, chị hoàn toàn chẳng biết gì về các khoản thuế, trách nhiệm và cả quyền lợi của người mua nhà khi làm sổ đỏ.
"Tôi thấy trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư ghi rõ sẽ làm giấy tờ chủ quyền cho người mua. Còn người mua nhà chịu tất cả các khoản lệ phí liên quan tới cấp giấy chủ quyền, thế là tôi ký tên. Nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy người mua nhà thiệt, vì trong hợp đồng chủ đầu tư chẳng cam kết thời hạn tối đa để làm sổ đỏ là bao nhiêu tháng" - chị Tuyết Minh băn khoăn.
Ai bảo vệ người mua nhà?
Đại diện một số Cty kinh doanh bất động sản thừa nhận, hầu hết các giao dịch nhà dự án ở khu vực Hà Đông đều bằng hợp đồng góp vốn hay hợp đồng kinh tế nên việc cấp sổ hồng, sổ đỏ chậm tại các khu ĐTM đã trở thành chuyện bình thường. Nhiều khách hàng nóng lòng đã tìm thuê dịch vụ cấp sổ đỏ với giá khoảng vài chục triệu đồng mỗi căn nhà nhưng văn phòng không thể làm được. Theo đó, chủ đầu tư sẽ đăng ký với cơ quan quản lý làm đồng loạt.
Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư sau khi bán xong sản phẩm thường lơ là những vấn đề "hậu bán hàng". Còn người dân, dù chịu thiệt thòi, nhưng chẳng biết kêu ai bởi khi ký hợp đồng mua bán không giao kèo thời hạn thì có nghĩa rằng, sẽ phải chờ đợi... vô thời hạn.
Vụ kiện cáo giữa hàng trăm hộ dân ở khu ĐTM Phú Mỹ Hưng với chủ đầu tư về việc tính thuế sử dụng đất khi làm giấy đăng ký sở hữu nhà ở, căn hộ cho tới nay vẫn chưa khép lại. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần giúp người dân minh bạch thông tin về dự án cũng như những vấn đề pháp lý liên quan. Cũng đã đến lúc, cần đặt ra câu hỏi: "Ai bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở các khu ĐTM?".