Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cất đi mùa Thu

Nguyễn Thị Minh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua đê là ao, sang bên kia ao là làng khác, lâu lắm ông mới lại đứng bên bờ ao này ngóng sang bên làng kia.

Minh họa: Quỳnh Hoa.

Bên ấy, nhà gác mọc đầy với tường vôi vàng viền nâu, nắng hắt làm nổi bật trên nền lá cây già. Bên này không có nhà, người làng trồng tre từ bao giờ mà lên khóm, lên búi, chả kể đang là mùa thu. Ông vừa căng toan, vừa miên man nghĩ về ánh mắt, môi cười, về đôi tay con gái với cổ tay tròn lẳn. Nàng cười giòn tan, khiến ông liêu xiêu như người say rượu. Mùa thu ấy nàng vừa đôi mươi, còn ông tóc đã muối tiêu.

Bảo ông yêu, hơn thế thì đúng hơn! Nàng đến cơ hồ như mùa đến, hồn nhiên, ríu rít bên ông; còn ông trĩu nặng những nỗi niềm khó định hình, khó cắt nghĩa. Rằng ông đang có tất cả, bạn bè, chữ nghĩa, thơ và tranh, có gia đình và con cái, có một người đàn bà đẹp yêu thương. Nhưng ông cũng thấy mình héo hắt theo những êm ấm và bình an ấy. Có một ngọn lửa âm ỉ trong ông, nóng hổi, nung nấu, nó không cho ông sinh lực phát triển hay hồi sinh mà giết chết ông dần mòn. Chỉ khi nàng xuất hiện, thổi bùng lên nguồn mạch vốn chỉ le lói trong ông, ông mới thấy mình thiết tha sống và sáng tạo đến thế. Chính là nàng, mắt biếc, miệng cười, không toan tính. Trời định nàng đến bên ông, để ông có đủ sức xây dựng và làm mới, ông sẽ sống vì mình, vì nàng. Ông nghĩ trong lòng, tha thiết với từng suy nghĩ của mình về nàng dù nhỏ nhất.

Tại sao nàng đến muộn màng, khi ông không còn trẻ. Tại sao trong lớp học nho nhỏ của người bạn ông, nàng lại ở đó. Những nét vẽ mềm mại, đầy bản năng, những bức nude như được vẽ từ tâm thức, sự trinh nguyên, từ vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn nàng. Ngày ấy, có 1 vài bụi tre lơ thơ, ông cặm cụi ngắm nhìn nàng vẽ, ai cũng nghĩ họ là đồng nghiệp, là thầy trò, chẳng ai biết rằng ông yêu.

Ông yêu lần thứ nhất trong đời là yêu nàng, một tình yêu quý báu mà trên đời mỗi người chỉ có một - đặc ân tốt đẹp nhất của đất trời ban tặng. Với nàng chẳng có áo giáp nào che chắn, chỉ có sự mách bảo của con tim - con tim của người đàn ông từng trải…

* * *

Hết chiến tranh ông về làng, cả xã đón ông khi thấy người làng mình được lên báo, khối cô trong hội phụ nữ mặc áo dài nhìn anh đại úy trẻ đầy tình ý. Chỉ một cô áo hoa cà là có vẻ thờ ơ, cô đẹp nhất làng, nên kiêu là phải. Họ đến với nhau như định mệnh, trai tài gái sắc nên duyên là chuyện đương nhiên. Khối cô trong làng ngậm ngùi tiếc anh đại úy đẹp trai, làm thơ hay và vẽ đẹp. Phông bạt dựng lên, trầu cau thắm môi hai họ, vài chục mâm cỗ. Vui vì anh lành lặn trở về, nên người trong họ quyết không thể qua quýt, dù vẫn biết có chỉ đạo ma chay, hiếu hỉ theo đời sống mới. Mà đám cưới ở ngoại ô với quan viên hai họ chưa phải đã xong, cô dâu theo chồng về đơn vị trên thành phố, còn 2 ngày chè thuốc nữa. Thuốc lá Sông Cầu, chè 3 hào 2, cùng bánh kẹo Hải Châu bày làm sang, chứ chủ yếu vẫn là lạc rang, rượu làng Vân. Dẫu vậy vẫn khiến cô gái quê ngây ngất trước hạnh phúc của người lấy được chồng thoát ly, lại có tài.

Cô nghe lời chồng, học bổ túc cấp 3 xong, cũng là khi con gái chào đời. Ông xin việc cho vợ và quên hết mọi nhọc nhằn cơm áo. Trước sự cằn nhằn của cô vợ xinh đẹp và thiên thần trong nôi, anh làm việc không biết mệt mỏi, xoay trần với chữ nghĩa và sắc màu. Anh ngắm nhìn vợ, lạnh ngắt. Cô ấy là một thế giới khác rất thực, không có trong thế giới của anh, nhưng lại nắm tay anh ở những tháng ngày này. Cô ấy lo áo mẹ, áo con không đẹp bằng người, nơ buộc tóc của con không nổi như con chị nhà báo hàng xóm. Cô ấy lo sở hữu trong tay một nhà thơ, một họa sĩ khó như lên trời. Anh ngã vào rượu đúng khi đứa con thứ 2 chào đời. Chuyện cơm áo vẫn trên tay anh, kéo anh về sau những say sưa của men. Anh biết cấy cày, biết trồng cây, chăn vịt, nhưng viết và vẽ mới là nghiệp của anh. Vợ anh cay đắng khi nhận ra chồng mình kém đường buôn bán, thua đứt ông trưởng ban hậu cần nhà ở đầu khu.

Anh vịn vào hai đứa con để đi qua những tháng ngày. Vợ anh yêu thương gia đình hết lòng, cô ấy nói 5 nói 10 thế cũng chỉ là ước vọng đàn bà, chẳng có lỗi gì. Anh hào hiệp trước tiền nong và cả những cằn nhằn của vợ, làm việc như một cái máy để đón nhận nụ cười trên môi người vợ xinh đẹp. Anh nghĩ thế là hạnh phúc vì sự vẹn tròn, viên mãn, mẫu mực của gia đình mà họ hàng hai bên và bạn bè trông vào. Anh giấu nhẹm một ngọn lửa leo lét trong mình, anh thấy nhưng nhất định không để nó biểu hiện. Tóc ngả màu thì anh có chức, cũng có nhiều ẩn ức khi khoác lên người cái áo của người cầm cờ. Anh thấy vướng víu, không còn là anh của tuổi 20, tuổi 30 sau cái đám cưới rềnh rang ngày ấy. Anh không có chức thì hóa ra kém ông hậu cần; anh không có tiền thì hóa ra kém tay hói trán kế toán. Nay thì anh có kém ai đâu. Vợ anh cũng không cằn nhằn gì nữa, vì anh đã có những gì cô ấy muốn. Cô ấy cũng chẳng hỏi đến thơ và tranh của anh vì cô ấy biết, thứ ấy chẳng ra tiền, lại đâm lo. Chức phận của anh mới là danh, là tiền. Nhưng con anh hiểu, nó nắm tay bố khi thấy bố sắp nói chuyện với nó về mẹ. Anh lại lặng im. Rồi cô ấy bất ngờ với số tiền anh có được sau triển lãm tranh. Anh có cô ấy, có của ăn của để từ tranh. Anh chẳng cất giữ gì cho riêng mình, một tay vợ anh quản, cả cái thân xác này, tâm hồn này cũng thuộc về người phụ nữ ấy từ bao giờ? Anh nhắm mắt để cảm xúc ấy trôi.

Nếu đến với nàng anh cũng chỉ có đôi bàn tay này để cùng vẽ, thế thôi. Có một lần này anh yêu, anh chắc chắn thế, bởi bao nhiêu năm qua anh đã nhầm. Chặng đường ấy có đọa đầy, có chấp nhận, có sự vin vào duyên phận để rồi anh sợ hãi, chối bỏ, anh là cành cây héo rũ, khô quắt trong ánh ngày và sương lạnh.

* * *

Nàng đến, sức thanh tân cho cái cành khô kia hồi sinh. Ông thấy mình đã khác, dám cắt nghĩa, dám định hình, không sợ những thành kiến bủa vây. Ông nói với nàng:

- Tôi cần nàng, giọt nước cuối cùng trào ly.

Nàng cười, nắm tay ông, bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp nằm trọn trong tay ông, nhưng không phải sự bao bọc, che chở mà cơ hồ như truyền sinh lực cho ông.

- Bao giờ mình thôi không vẽ nữa?

- Sợ rằng em no đủ, ấm êm, giông tố không có trong lòng thì em không vẽ nữa.

Ô hay, ông đang nói về mình chứ có nói với nàng đâu! Ông đã êm ấm 16 năm qua, ông đã hạnh phúc. Ông vẽ cho lòng nghĩa hiệp dư giả, chứ đâu vẽ như nàng. Nàng gục vào vai ông. Ông muốn dựng lều tại đây, sống với nàng, để nàng và ông vẽ, còn mọi sự muốn đến đâu thì đến, ông buông. Ông khác xa với tay trưởng phòng hậu cần, khác cả tay kế toán trưởng, những người mà vợ ông luôn nhắc đến trong bữa ăn và chép miệng so sánh.

Mùa Thu năm sau họ mở một cuộc triển lãm cùng nhau, 30 bức của nàng, 20 bức của ông. Nàng mang sức trẻ, sự thanh tân của mình vào từng nét vẽ. Những nhũ hoa đậu trên phần bầu căng cứng mà lại mềm mại, những nghiêng ngả duyên dáng tự nhiên mà quyến rũ lạ kỳ. Những mái tóc xổ bung xuống bờ vai, tóc ko lấp núm vú hồng đào; nghiêng để thấy những cong tròn, đầy đặn, nghiêng để chỉ thấy chấm đen huyền nho nhỏ… Tất cả nhẹ nhàng như hơi thở, ấm nồng và suồng sã khiến người ta náo nức chờ trông. Điều có thật, không có thật ở trong nhau, như sự tương hợp âm dương. Một gương mặt buồn, một đường cong con gái khiến người ta không rời mắt. Người đàn ông ngoại quốc đã lựa chọn, ông ta giống ông, ưng bức này nhất… Trái với nàng, ông có bức “Chiều”, bức “Chiếc ghế màu đỏ”, bức “Sơn”… là ông của sự hồi sinh, chắp cánh, vẫy vùng tìm tự do. Sắc màu phóng khoáng, tha thiết như chính nghĩ suy của ông. Chưa bao giờ ông thấy ngày tháng có ý nghĩa đến thế...

Người vợ của ông lôi tuột ông về với hiện tại, bà đếm từng cọc tiền cho vào ví cười giả lả, bà ấy hồn nhiên đến tội nghiệp chứ chẳng có tội gì. Cái tội tầm thường của một người bình thường, không dễ gì bà ấy nhận ra. Đến ông còn bao bọc, còn vịn vào đó thì ai nói để bà ấy biết được. Bà yêu ông và các con của họ nhất trên đời, với bà ấy thế là đủ. Nàng tắt đèn và khóa cửa phòng tranh, ông khách người Tây đợi nàng để hỏi đôi điều về bức “Duyên”.

Vợ ông lên triển lãm, bà nghỉ phép để làm việc đó, vì thấy việc này quan trọng hơn. Ông Tây chưa ngã giá xong bức “Duyên” và “Mơ”, nên mời nàng đi ăn. Nàng uống rượu, má hây hây hồng. Ông vẫn bảo có chút rượu, con gái chẳng cần phấn son vẫn đẹp. Nàng cười và tô son thắm, ông ngắm nhìn đôi bàn tay mẹ của những bức vẽ với những ngón thon, cổ tay tròn lẳn, thanh tân. Vợ ông đi xem ngày vì có tiền sẽ sửa nhà, ông ngoan ngoãn nghe theo người vợ đảm.

Nàng nắm tay ông, dưới chân con đê làng khi nắng hắt một dải vàng ruộm, nàng sẽ khăn áo theo chồng đi xa. Từng đó bức tranh trong suốt 3 năm ròng được ông khách Tây nâng niu, 1 xưởng vẽ nhỏ nhìn ra khu vườn xanh và hoa thắm, đủ để nàng hiểu tấm chân tình của ông ấy… Và nàng theo chồng vào mùa Xuân năm đó. Nàng đề tặng ông một bức vẽ mang tên bức tranh của ông “Ghế đỏ” - nơi ông thú nhận với nàng về tình yêu của mình.

Đã 20 năm, ông bất lực trước sự êm ấm và chu đáo của người vợ đẹp, các con khôn lớn trưởng thành, nên mọi sự vẫn y nguyên. Chỉ riêng nàng và quầng sáng kia vụt trôi qua, ông không dám gọi tên nàng, lặng thinh biết mình có lỗi.

Mùa Thu này, ông nhớ mắt biếc môi cười, để về lại chân đê này. Ông vẽ nàng, bức cuối. Trước khi chìm sâu vào giấc ngủ vĩnh hằng, ông nói với con gái cả câu chuyện của mình. Con ông ôm lấy bố, nó khóc nấc:

- Ngày đó, con 17 tuổi, con đã hiểu!

Nàng và con gái ông sơn mộ cho ông màu đỏ, 2 họa sĩ vẽ lên đó những áng mây và gieo hạt hoa hồng leo lên khu đất hẹp dành trồng hoa, hi vọng mùa Xuân tới. Ông là mối tình mà nàng trân trọng, nâng niu, nếu được lựa chọn điều gì của kiếp này mang đến kiếp sau, nàng sẽ chọn tình yêu của ông, bởi nó “trong vắt” như ông từng nói thế. Nàng thủ thỉ với ông trong ráng chiều của một ngày mùa Thu mà họ cất giữ…