Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cắt điện hay không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khả năng mua điện của EVN là có giới hạn. Nếu mua một tháng có thể được, còn mua một năm thì không có tiền để quay vòng vốn.

KTĐT - Khả năng mua điện của EVN là có giới hạn. Nếu mua một tháng có thể được, còn mua một năm thì không có tiền để quay vòng vốn.

Trả lời báo chí ngày 6/7, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đào Văn Hưng cho biết cho dù đã được chỉ đạo, song việc có cắt điện trong tháng 7 hay không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

- EVN đã từng hứa từ 1/7 sẽ không cắt điện nhưng nhiều khu vực miền Trung và cả Hà Nội mấy ngày nay vẫn diễn ra tình trạng này. Vì sao vậy thưa ông?

- Lệnh của Tập đoàn không có gì thay đổi nhưng khi trời nắng nóng thì bản thân thiết bị và khả năng mang tải thiết bị cũng giảm. Khi kiểm tra cụ thể, trường hợp cắt điện chủ yếu là sự cố lưới điện do đường dây, trạm biến áp và rơle quá tải. Chỉ thế thôi. Đó là vấn đề kỹ thuật không thể tránh khỏi.

- Vậy trong tháng 7, liệu có xảy ra tình trạng người dân bị cắt điện nữa không, thưa ông?

- Tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó, mà phải là ông Ngọc Hoàng mới trả lời được. Trong trường hợp nắng như miền Trung dẫn đến không còn một hồ nào còn nước thì trời đã hại mình và mình cũng phải chấp nhận.

- Với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, theo EVN nên đầu tư dự phòng như thế nào cho phù hợp?

- Khi mua thiết bị mình phải mua theo loạt. Trên thế giới có một số quốc gia đầu tư trên 90% về điện như Na Uy, Đan Mạch. Nếu hạn hán không phát được điện, người tiêu dùng phải chấp nhận. Còn nếu không chấp nhận người ta sẽ đầu tư ra một công suất dự phòng.

Ví dụ như ở Việt Nam 100 năm mới dùng đến công suất dự phòng này. Dự báo thời tiết vừa rồi cho thấy 100 năm mới có hạn hán như thế. Mình có dám đầu tư ra 8 tỷ USD để dự phòng cho 100 năm không. Nếu người dân chịu người ta sẽ làm. Đây là bài toán trong kinh tế phải tính đến.

- Trong lúc thiếu điện, nhiều dự án mới lại chậm triển khai. EVN đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Trong khi thị trường đang thiếu điện chẳng ai muốn chậm tiến độ. Với chúng tôi, đa số là chậm về giải phóng mặt bằng, thay đổi kết cấu về địa chất, và vay vốn. Việc giải phóng mặt bằng, có nhiều khi là mảnh đất thiêng liêng, đưa tiền theo chế độ của Nhà nước chưa thoả mãn với họ. Về địa chất, có những công trình không thể đào lên để khảo sát. Nguồn vốn thiếu hàng mấy chục nghìn tỷ cho một dự án.

Trong năm 2010, EVN vừa khởi công Dự án Nghi Sơn 4 và Nghi sơn 2. Còn 4 dự án nữa với tổng vốn 140.000 tỷ đồng mà EVN một năm mới lãi được 1.000 tỷ đồng thì không thể đủ để đầu tư. Cũng có lúc làm không tốt nhưng nguyên nhân chính dẫn đến chậm là 3 nguyên nhân trên. Hiện còn Dự án Nghi Sơn 2, Duyên Hải 1, Duyên hải 3 và Lai Châu. Nếu khởi công cũng phải mất 3 đến 4 năm trở lên. Tổng sơ đồ 6 đến 2015 và đang đưa ra tổng sơ đồ 7 tôi cho là tầm nhìn tương đối dài. Với tốc độ phát triển 20% thì Việt Nam là nước phát triển điện nhanh nhất trên thế giới.

- Không ít ý kiến cho rằng, tình trạng cắt điện triền miên thời gian qua chủ yếu do EVN độc quyền. Ông nghĩ sao?

- EVN đã cổ phần hóa 9 nhà máy điện như Thác Bà, Vĩnh Sơn... Hiện EVN còn 18 nhà máy trong tổng số hơn 40 nhà máy của toàn quốc. Công suất của EVN có 9.000 trên tổng số 19.000 MW, chiếm 47%. Theo tổng sơ đồ 6 thì EVN đang được giao 35% về nguồn và 100% về lưới vì Chính phủ quyết định độc quyền truyền tải. Cộng với số hiện có và số đầu tư đến năm 2015, EVN còn 37,5%. Với số liệu như vậy, có thể khẳng định EVN không giữ độc quyền trong khâu phát mà chỉ độc quyền trong truyền tải.

- Các dự án EVN tự đầu tư không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng với phần mua ngoài, các nhà đầu tư phong điện ở Bình Thuận kêu đàm phán về giá rất khó khăn vì EVN là người mua duy nhất. Ông giải thích tại sao vậy?

- Khả năng mua điện của EVN là có giới hạn. Nếu mua một tháng có thể được, còn mua một năm thì không có tiền để quay vòng vốn.

Không chỉ có vấn đề điện ở Bình Thuận mà hầu như các nhà đầu tư ở Việt Nam đều kêu việc mua bán điện. Bán cho người tiêu dùng với giá thấp như thế này, nếu mua với giá cao không biết lấy tiền đâu để trả. Vừa rồi, có quy định mỗi nhà đầu tư, căn cứ theo tỷ suất lợi nhuận 12% để đàm phán. EVN căn cứ vào quy định đó để đàm phán nhưng có một bất cập là toàn bộ giá đầu vào theo thị trường nhưng giá điện thì vẫn theo bao cấp. Hợp đồng bên tôi mua 5.000 đồng đến 6.000 đồng nhưng chỉ bán được 600 và cao nhất là 1.700 đồng. Trong khi đó, thực tế xảy ra hiện tượng xài điện vô tội vạ giống như việc mua bán gạo theo tem phiếu trước đây. Ngay cả một bảng biển quảng cáo lãng phí điện bằng cả một làng sử dụng điện.

- Chính phủ vừa chỉ đạo EVN tính toán về mức độ thiệt hại trong quá trình cắt điện vừa qua và báo cáo trước 15/7. EVN triển khai đến đâu rồi, thưa ông?

- Thế giới tính toán rằng, cứ mất một đồng doanh thu của điện tương đương mất từ 2,5 đến 3 đồng thiệt hại cho xã hội. Ở Việt Nam, những thiệt hại này có những cái không thể tính ra tiền bạc được. Đang mùa nóng như thế này nếu, cắt điện gây bức xúc xã hội còn ảnh hưởng hơn nhiều.

Chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể. Tính toán rõ ràng là một việc khó nên để từng hộ tự thống kê thiệt hại sẽ rõ hơn bởi ngành điện không thể đánh giá cụ thể được.

Ví dụ như ngành Dệt may nói đang dùng mất điện là hỏng hết cả thuốc nhuộm. Theo tôi, cần có một cơ quan quản lý đứng ra ví dụ như Bộ Xây dựng yêu cầu các ngành trong xây dựng, Bộ Công Thương yêu cầu các ngành nghề của công thương... tổng hợp lại mới ra.

Tôi cho rằng chỉ đạo của Chính phủ là một vấn đề rất cần thiết để nhìn nhận việc thiếu điện để lại hậu quả thế nào. Chỉ đạo đó cần làm thực sự bài bản và phải đưa ra phân tích, thấy rằng việc đầu tư điện đến mức độ nào, doanh nghiệp làm đến đâu, nhà nước làm đến đâu.