Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện điều tra hành vi chuyển giá chưa có hồi kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì CocaCola cũng “chịu” kinh doanh có lãi và đóng góp tiền...

Kinhtedothi - Cuối cùng thì CocaCola cũng “chịu” kinh doanh có lãi và đóng góp tiền thuế thu nhập DN vào ngân sách Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện điều tra hành vi chuyển giá của CocaCola nói riêng và một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung vẫn đang là bài toán khó, chưa có hồi kết.

Đóng thuế đối phó

Trong một tài liệu gửi UBND TP Hồ Chí Minh, CocaCola Việt Nam cho biết, sau một thời gian thua lỗ kéo dài, DN này đã kinh doanh có lãi và đóng hơn 20 triệu USD thuế các loại trong năm 2014.

Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của CocaCola Việt Nam đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013. Tổng số thuế mà DN này đóng cho ngân sách Việt Nam trong năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đang điều tra về “nghi án” chuyển giá của một số DN FDI, trong đó có CocaCola. Và một thời gian dài, người tiêu dùng Việt Nam đã quay lưng với CocaCola vì nghi án chuyển giá.

Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức cho rằng, việc CocaCola thông báo đóng thuế là một động tác để bảo vệ thương hiệu. Sau nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng và sự tẩy chay của người tiêu dùng nên DN này phải “chấp nhận” kinh doanh có lãi.
Metro cũng là một trong những doanh nghiệp FDI  nằm trong nghi vấn chuyển giá.
Metro cũng là một trong những doanh nghiệp FDI nằm trong nghi vấn chuyển giá.
Tuy nhiên, theo ông Đức, đây là giải pháp đối phó của DN mà thôi, 20 triệu USD chỉ là con số rất nhỏ so với hiệu quả kinh doanh của CocaCola tại thị trường Việt Nam. CocaCola chính thức tiến vào Việt Nam vào tháng 2/1994 và nhanh chóng trở thành "ông chủ" trong lĩnh vực giải khát.

Mặc dù doanh thu hàng năm tăng trưởng đều đặn, bình quân 24% nhưng tính đến năm 2011, báo cáo tài chính của CocaCola Việt Nam ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng - vượt cả số vốn đầu tư ban đầu. Điều này cũng đồng nghĩa, DN này không phải nộp một đồng thuế thu nhập DN nào cho Việt Nam, mặc dù đã hoạt động trong suốt 20 năm qua.

Cách để CocaCola dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt nhưng vẫn lỗ là nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, đặc biệt năm 2006 - 2007, chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Năm 2010, chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.

Tập trung thanh tra chuyển giá

Không chỉ CocaCola bị xếp vào diện điều tra chuyển giá, năm 2015, Tổng cục Thuế cũng tiến hành rà soát, kiểm tra để làm rõ nghi vấn chuyển giá với Metro. Theo các chuyên gia, việc chứng minh DN FDI có chuyển giá hay không phức tạp hơn các DN trong nước, vì nguyên liệu đầu vào của những DN này thường do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp. Vì thế, không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu của các DN khác cùng ngành nghề. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của DN Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh, vì các DN này nhập khẩu nguyên, vật liệu nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính cơ quan thuế các nước cũng phải đấu tranh với nhau để có lợi cho đất nước mình. Họ phải tìm cách bảo vệ DN của mình để giữ nguồn thu. Đây là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế Việt Nam. Thực tế, đến nay, nghi án chuyển giá của một số DN như CocaCola, Metro… vẫn chỉ dừng ở mức đang điều tra và chưa có kết quả cuối cùng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, việc điều tra các DN FDI chuyển giá rất khó khăn và phức tạp. Đến nay, cơ quan thuế chưa có bằng chứng chứng tỏ CocaCola chuyển giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng sẽ có các chính sách thuế khác theo quy định của pháp luật đảm bảo không thất thoát thuế Nhà nước với các DN này.

Theo thống kê, năm 2014, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 DN khai báo kinh doanh thua lỗ, DN nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 80% so với năm 2013. Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá. Lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục và 4 địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai).

 
Ngày 28/10, Bộ Tài chính công bố thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng, trực thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện và xử lý những hình thức chuyển giá đang diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.