Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện ngày thứ Ba: Cách mạng lối chơi trong thập kỷ mới?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thế giới đã bước sang thập kỷ mới, với nhiều biến đổi ở mọi lĩnh vực của đời sống. Bóng đá cũng vậy. Chấm dứt thời kỳ của các tiền đạo rình rập và khai sinh trở lại cầu thủ đá vị trí libero là hai khuynh hướng mà chúng ta có thể sẽ được chứng kiến trong 10 năm tới.

KTĐT - Thế giới đã bước sang thập kỷ mới, với nhiều biến đổi ở mọi lĩnh vực của đời sống. Bóng đá cũng vậy. Chấm dứt thời kỳ của các tiền đạo rình rập và khai sinh trở lại cầu thủ đá vị trí libero là hai khuynh hướng mà chúng ta có thể sẽ được chứng kiến trong 10 năm tới.

Xét trên thực tế là bóng đá đã trải qua rất nhiều thay đổi suốt 146 năm qua, kể từ khi nó trở thành môn thể thao được cả thế giới biết đến, có lẽ thời kỳ của những cuộc cách mạng chiến thuật đã qua rồi, và những thay đổi diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 nặng về chi tiết hơn là những chuyển biến toàn diện. Các cuộc đại cách mạng trong chiến thuật bóng đá, từ hệ thống 2-3-5 sang đội hình W-M, lối chơi phòng ngự đổ bê tông hay lối đá tổng lực, hàng thủ bốn người, cũng như việc sử dụng các hậu vệ cánh dâng cao, xuất phát từ việc thay đổi luật lệ hay từ một nền văn hóa ít tiếp xúc với bóng đá thế giới trước đó. Còn trong thời đại internet và truyền hình kỹ thuật số hiện giờ, khó nơi nào có thể sản sinh ra các cuộc cách mạng như thế bởi lẽ toàn cầu hóa thường đi kèm với nhất thể hóa.

Cách mạng từ Mỹ và… Triều Tiên?

Nếu một cuộc cách mạng mới trong chiến thuật bóng đá diễn ra, thì nó sẽ diễn ra ở những vùng đất mà bóng đá vẫn còn nhiều điều để khám phá, như Hoa Kỳ. Thật vậy, các bình luận viên Mỹ vẫn luôn thể hiện sự thất vọng đối với việc những phân tích kỹ thuật và số liệu trong bóng đá lại không có vai trò quan trọng như đối với bóng rổ hay bóng bầu dục. Các khán giả Mỹ mới xem bóng đá thì lấy làm ngạc nhiên về việc suốt 140 năm qua, lịch sử chiến thuật bóng đá chỉ là việc một cầu thủ được đẩy lên cao hay kéo lùi về đôi chút, khác hẳn với ảnh hưởng của các chiến thuật tấn công và phòng ngự mới luôn ra đời trong môn bóng bầu dục. Cũng dễ hiểu thôi, bóng đá không có những tình huống cố định lặp đi lặp lại và trong nhiều trận đấu, đặc biệt là ở đỉnh cao, sự ngẫu hứng của một vài cá nhân xuất sắc trên sân có thể quyết định kết quả, chứ không phải những pha phối hợp bài bản và được lập trình kỹ lưỡng.

Cũng có thể một cuộc cách mạng sẽ khởi nguồn từ CHDCND Triều Tiên, quốc gia còn tương đối biệt lập, không chỉ về mặt chính trị, mà cả về bóng đá, với thế giới. Đội bóng đã vào đến tứ kết World Cup 1966 đôi khi chơi với đội hình 3-3-3-1 ở vòng loại lần này. Nếu đó chưa phải là một cuộc cách mạng thì ít ra cũng thật khác thường. Tuy nhiên, việc cô lập nhiều khi không chỉ mang đến những điều mới mẻ hay tốt đẹp vì nó cũng có thể bộc lộ những điểm yếu mà cả thế giới đã biết cách khắc phục. Argentina ở World Cup 1958 sau nhiều năm bị cô lập vì chế độ độc tài Peron là một ví dụ điển hình.

Sự thay đổi sẽ đến

Dù có cách mạng hay không, bóng đá cũng sẽ dần thay đổi. Đánh giá việc Dynamo Kiev chuyển sang đội hình 4-4-2 vào giữa những năm 1960 (một hệ thống tương tự cũng ra đời với ĐT Anh dưới thời HLV Alf Ramsey sau đó, nhưng độc lập), Viktor Maslov, huyền thoại một thời của Kiev vào những năm 1960, nhận xét: “Bóng đá giống như một chiếc máy bay. Khi vận tốc gia tăng, sức cản không khí cũng gia tăng, thế nên tuyến đầu cần phải sắc bén”.

Mặc dù tiến trình đó không diễn ra ngay lập tức, Maslov nhìn chung đã nhận xét chính xác. Trong năm vừa qua, Premier League đang quay trở lại với hệ thống 4-4-1-1. Hệ thống một tiền đạo cũng phổ biến ở TBN với sơ đồ 4-2-3-1 được cả Real Madrid và Barcelona áp dụng. Với những trường hợp các đội bóng có khuynh hướng chơi tấn công và áp đảo đối thủ, như Barcelona hay Arsenal, nhiều khi nó được điều chỉnh lại thành 4-3-3, tùy theo thế trận.

Ngoài ra, hệ thống 4-3-3 ở Barcelona, dù thoạt trông rất giống đội hình 4-3-3 mà Jose Mourinho từng sử dụng ở Chelsea, là một biến thể hoàn toàn khác (từ sơ đồ 4-2-3-1 thay vì sơ đồ hàng tiền vệ 4 người), dẫn đến cách vận hành khác biệt với những tiền vệ trung tâm lẫn các tiền đạo cánh đều ưu tiên cho sự sáng tạo và kỹ thuật, thay vì tốc độ và sức mạnh như ở Chelsea.

Nhận xét của Maslov còn có thể được phân tích ở một khía cạnh khác khi tốc độ chơi bóng của các cầu thủ gia tăng, khoảng trống dành cho họ sẽ ít ỏi hơn, dẫn đến việc các tiền đạo có khuynh hướng lùi sâu hoặc giạt ra hai cánh để tìm kiếm cơ hội. Những mẫu cầu thủ tiền vệ - tiền đạo thành công nhất của thế giới bóng đá hiện đại, từ Steven Gerrard đến Lionel Messi, từ Kaka đến Cristiano Ronaldo, đều chơi bóng như thế.