KTĐT - Có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại vai trò “bà đỡ” cho các ngân hàng hoạt động yếu kém.
Bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng gắn liền với rủi ro và thất bại, thậm chí dẫn đến phá sản.
Đó là điều bình thường, nhưng với những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam, câu chuyện “phá sản” hay sáp nhập ngân hàng dường như vẫn là bài toán chưa có lời giải trong thời điểm hiện nay.
Còn nhớ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã có tác động mạnh đến hầu hết hệ thống ngân hàng của các quốc gia trên thế giới, chỉ tính riêng tại Mỹ đã có hàng trăm ngân hàng đã bị phá sản, trong đó có sự sụp đổ Lehman Brothers - một đại gia trong giới ngân hàng của Mỹ.
Trong khi đó thì tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn “vượt qua” được khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục, không ngân hàng nào bị phá sản mà còn đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn trước khi xảy ra khủng hoảng.
Nhìn xa hơn, trong lịch sử hình thành và phát triển ngân hàng tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận một ngân hàng thương mại cổ phần bị tuyên bố phá sản. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý và kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, không ít ngân hàng đã được vực dậy từ tình trạng kiểm soát đặc biệt...
Đến năm 2010, là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo quy định trong Nghị định 141 của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tỏ rõ quyết tâm yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình bằng việc ban hành Thông tư 04 quy định về việc “sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng”.
Đồng thời trong năm này, Ngân hàng Nhà nước cũng hai lần có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định tại Nghị định 141 nhưng rồi đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định gia hạn thời hạn tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại thêm một năm nữa.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn thêm một năm cho các ngân hàng thương mại trong diện phải tăng vốn điều lệ, thị trường đã đón nhận không ít những ý kiến trái chiều, không ít ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã quá “nuông chiều” những ngân hàng thương mại yếu kém.
Tuy nhiên, có thể hiểu, việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại thêm một năm cũng là giải pháp “cực chẳng đã”, nhằm giải cứu các ngân hàng thương mại khỏi những hệ lụy xấu từ việc phải sáp nhập, giải thể. Đồng thời cũng giúp cho nền kinh tế tránh khỏi những tác động xấu từ việc phá sản của một số ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, việc phá sản ngân hàng đối với bất kỳ quốc gia nào cũng là giải pháp cuối cùng. Phá sản là hậu quả của kinh tế thị trường, đến một mức nào đó khi chính phủ của các quốc gia không thể nâng đỡ nổi các ngân hàng và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng không còn hiệu quả nữa thì buộc lòng các chính phủ sẽ phải cho phá sản.
Còn tại Việt Nam, vấn đề phá sản ngân hàng sẽ rất hệ trọng, bởi nền kinh tế vẫn còn rất non trẻ, một ngân hàng phá sản sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đó là lý do giải thích vì sao trong thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi cách không để các ngân hàng yếu kém phá sản.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa thể phá sản cũng là một phần nguyên nhân khiến cho một số ngân hàng thương mại đã tăng trưởng bằng mọi giá, mà không để ý đến các rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động của mình, gây những biến động không đáng có trên thị trường những năm gần đây. Bởi trong thâm tâm, không ít ngân hàng cho rằng: nếu hoạt động yếu kém hay mất khả năng thanh khoản và đứng trước khả năng đổ vỡ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp.
“Đây là tâm lý hết sức nguy hiểm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng cũng rất may, trước những diễn biến đó Ngân hàng Nhà nước đã có những can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng đổ vỡ của các ngân hàng đó. Qua đó, giúp hệ thống ngân hàng vẫn phát triển ổn định trong những năm qua”, ông Kiêm nhận định.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, tâm lý ỷ lại đã khiến một số ngân hàng có hiệu quả hoạt động kinh doanh yếu kém cũng không có kế hoạch "nâng tầm", mà chỉ mong đợi bằng cách này hay cách khác Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp để “thoát nạn”. “Đây thật sự là điều không có lợi cho nền kinh tế và khiến cho các ngân hàng thương mại không có động lực để phát triển”, ông nói.
Có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại vai trò “bà đỡ” cho các ngân hàng hoạt động yếu kém. Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, đã đến lúc nên xem việc ngân hàng vỡ nợ phá sản theo quy luật của kinh tế thị trường là điều bình thường để nâng cao tính minh bạch cho thị trường.
Đã là kinh doanh thì phải có rủi ro, có thành công và cả thất bại. Vấn đề là ở chỗ cơ quan quản lý sẽ giải quyết như thế nào đối với ngân hàng vỡ nợ, tiếp tục cứu vớt hay cho phá sản? Đây là điều thị trường đang mong đợi những phản ứng từ các cơ quan quản lý.