Khi tập sách đã hoàn chỉnh bản thảo, chị vẫn chưa sẵn sàng để nó ra đời, vẫn muốn chính tay mình sửa chữa thêm, viết lại, bỏ đi những gì mà bằng linh cảm chị "nghi" chưa ổn. Và chị đã làm điều đó mất cả tháng trời với nỗ lực và sự cầu thị rất đáng nể.
Cuối cùng "Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình" cũng được xuất bản. Mô-típ truyện loại này không mới và được nhiều người đã "cày xới" với ít nhiều thành quả. Thậm chí có hẳn một bộ phim gần như "vô ngôn" của Hàn Quốc mang tên "Bốn mùa", mà bất cứ ai đã từng xem đều kinh ngạc về khả năng chuyển tải ý tưởng bằng hình ảnh, ánh sáng và bằng sự không “nói” gì. Nhưng với "Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình", Trịnh Minh Hiếu cho thấy không điều gì trên đời là cũ, nếu biết chọn một cách tiếp cận của riêng mình, nhìn nó bằng cặp mắt không ai có. Đời là bể khổ - đó là triết lý đáng suy ngẫm cho mỗi con người cứ phải bon chen trong cõi trần tục. Song đời còn là cả một đại dương niềm vui, sự hân hoan tinh thần và thể xác, mà con người có toàn quyền để giành lấy, tận hưởng… còn đáng là một triết lý lớn. Bởi quà tặng chứa đựng nhiều đau khổ, nguy hiểm nhất lại chính là tự do, với vẻ đẹp và sự hấp dẫn khó cưỡng lại. Những ngăn cản người ta đến với nó, bằng bất cứ biện pháp nào, đều vô vọng.
Cái chất đàn bà - hiểu theo nghĩa đẹp nhất - có lẽ là thứ dễ nhận ra nhất trong các trang viết của Trịnh Minh Hiếu. Truyện nào của chị cũng đậm chất nội trợ, nhiều chi tiết đời thường, nhiều yếu tố dưa cà mắm muối, bếp núc, mua bán, ghen tuông, kháo chuyện sau lưng, những khao khát thân xác bị kìm nén, những pha ngoại tình tinh thần… Nhưng chúng được gắn với bối cảnh của thời cuộc nên chuyện đời thường thành chuyện của cuộc đời, của mọi người, và không hề biến thành chuyện tầm thường.