Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, từ đầu năm tới nay, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các phường trên địa bàn phối hợp triển khai tích cực 2 đợt cao điểm hành động vì ATTP nối tiếp nhau. Đợt 1 từ 16/3 - 15/4 triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống ngộ độc methanol do rượu và đợt 2 từ 15/4 - 15/5 triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong 2 đợt cao, toàn quận Cầu Giấy ra quân với 4 đoàn kiểm tra chuyên ngành, 22 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 1.105 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó đã xử lý 383 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 880 triệu đồng, tiêu hủy gần 6.000 lít rượu và rất nhiều loại thực phẩm hết hạn, không rõ nguồn gốc, trị giá hàng tiêu hủy là hơn 120 triệu đồng. Riêng Tháng hành động vì ATTP, toàn quận đã kiểm tra 412 cơ sở, xử phạt 101 cơ sở, phạt 395 triệu đồng, tiêu hủy 220 lít rượu. Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra 1.680 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử phạt 601 cơ sở với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Bà Trịnh Thị Dung cho biết thêm, kết quả xử lý vi phạm thể hiện sự quyết liệt trong công tác đảm bảo VSATTP của Ban Chỉ đạo ATTP quận, song quan điểm của lãnh đạo quận là tập trung vào tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ các cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu của Nhân dân. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Cũng theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, hiện nay vi phạm ATTP ngày càng tinh vi, nhất là vào những lúc cao điểm trong năm khi mà nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Người tiêu dùng không dễ dàng nhận biết chất lượng thực phẩm bằng mắt thường, khó kiểm soát về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc giết mổ tại các lò mổ thủ công, tự phát nên rất khó khăn trong việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định. Trong khi đó việc tăng cường giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định của pháp luật, kể cả xử lý vi phạm không đơn giản do lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu, chế tài chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, một trong những khó khăn nữa là các ngành chức năng không có đủ cán bộ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Những xét nghiệm cho kết quả nhanh thì không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt và xử lý ngay, trong khi chờ kết quả chính thức thường phải dài ngày thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết. “Nhiều trường hợp kiểm tra không đủ giấy tờ, không có nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi yêu cầu tiêu hủy ngay tại chỗ và lập biên bản các bên cùng chứng kiến để ký biên bản”, bà Dung cho biết.
Để làm tốt công tác quản lý ATTP, lãnh đạo quận Cầu Giấy đề nghị tăng cường giám sát tốt từ gốc, kiểm soát tại các nơi sản xuất, lưu thông nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời hậu kiểm thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn, xử lý nghiêm và đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt, cần có hướng dẫn để đảm bảo đủ nguồn nhân lực và phương tiện cho các ngành chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, có sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan trong quá trình kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo nhưng không bỏ sót, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển nhưng vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật.