Những ứng xử lệch lạc ấy của HS phổ thông đã được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo "Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học" do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.
Hệ lụy từ mạng xã hội
Hành vi bạo lực ở HS không chỉ có đe dọa thể chất trực tiếp mà còn cả sự dọa nạt, cô lập, sỉ nhục, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi bạo lực tinh thần còn được thể hiện thông qua việc HS sử dụng các trang mạng xã hội có tính tương tác cao như Facebook (FB) để hình thành các nhóm bạn hoặc cùng chơi games trực tuyến; rồi dùng lời lẽ khích bác, thách đố, xúc phạm nhau trên mạng. Điển hình cho loại bạo lực này là vụ việc nữ sinh N.T.T.L ở Thạch Thất (Hà Nội) bị bạn nam trong lớp lấy hình chân dung ghép với hình nhạy cảm khác rồi đăng lên FB để các bạn trong lớp trêu chọc khiến nữ sinh này phải tự tử.
Dẫn chứng cụ thể nhất về hậu quả của tình trạng sử dụng FB chính là vụ việc đốt trường vì 1.000 like. Trước đó, sáng 9/10, nữ sinh 13 tuổi đến Phòng Y tế trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tưới xăng xung quanh, châm lửa đốt. Đám cháy bùng nhanh khiến nữ sinh bị bỏng hai chân. Nhiều HS chứng kiến không vào can ngăn, còn nói khích và chế giễu. Nguyên nhân của sự việc xuất phát từ status trên FB của nữ sinh này với "thách thức": "Status đạt 1.000 like" sẽ châm lửa đốt trường gần nơi mình sống. Đáng nói là status của nữ sinh này không bị phê phán, can ngăn mà lại được cộng đồng chia sẻ để đạt số like như mong muốn để "ép" nữ sinh này phải... giữ lời.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, những người hưởng ứng lời tuyên bố của HS trên thiếu chín chắn, không nghĩ hậu quả về sau. Điều này cũng không khác mấy với hiện tượng tâm lý đám đông, khích bác thay vì can ngăn trong những vụ ẩu đả giữa các nữ sinh phổ thông. Thêm một điều gây lo ngại là đây mới chỉ là một trong những vụ việc được biết đến bên cạnh rất nhiều những hành động khác xuất phát từ trào lưu "nói là làm" trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đang tìm cách thể hiện mình trong đời thực mà không tính tới hậu quả. Cuộc sống ảo có sức lôi cuốn, cùng với sự chia sẻ, bàn luận vô biên giới khiến các bạn trẻ cảm thấy đời sống thật lại là thứ yếu, bổ trợ cho đời sống ảo. Điều này là thực tế mà nhà trường và các bậc phụ huynh cần sớm nhìn nhận để điều chỉnh. "Chúng ta phải nhìn nhận thực tế HS đang sử dụng mạng xã hội tràn lan. Hiện tượng câu like đã trở thành căn bệnh. Một số em quen sống ảo, nên nghĩ cuộc sống thật không có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, những người hưởng ứng cũng thiếu chín chắn” – ông Lâm cảnh báo.
Định hướng sở thích lành mạnh
Bàn về vấn đề sử dụng FB trong giới trẻ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đánh giá, xu hướng gia tăng sử dụng FB dẫn đến nhiều hệ lụy mà lứa tuổi vị thành niên là đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Đối với nhiều bạn trẻ, FB là niềm đam mê "tìm hiểu xã hội", nhưng khi lạm dụng thái quá thì trở thành nghiện. Không ít bạn trẻ mải mê FB đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học tập. Phải nói rằng, sử dụng FB một cách quá mức đang báo động đối với toàn xã hội.
Trước vấn đề có nhiều HS nghiện FB, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, gần đây, một HS đã được gia đình đưa đến gặp ông để tư vấn tâm lý trước tình trạng nghiện FB. "Không phải bố mẹ cứ mắng, cấm không sử dụng máy tính, điện thoại là có thể "cai nghiện". Cùng là hành vi nghiện, nhưng FB không gây ra những tác động xấu như nghiện ma túy hay game. Chính vì vậy, phụ huynh cần hiểu rõ vấn đề này. Không thể cấm ngay các em sử dụng FB mà cần cho các em mở rộng sự quan tâm sang các lĩnh vực khác, giảm bớt áp lực điểm số, học thêm, thi cử, gia tăng định hướng các em vào sở thích lành mạnh như bơi lội, đá bóng, cầu lông... để hướng các em ra khỏi những nguy cơ FB, điện tử" - ông Lâm chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải giáo dục HS về các giá trị sống, kỹ năng sống để các em biết tự chủ, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cấm ngay các em sử dụng FB là rất khó, nhưng các trường nên có nội quy sử dụng mạng xã hội.
Để phòng ngừa hành vi lệch chuẩn, các chuyên gia cho rằng, mỗi nhà trường cần tổ chức các hoạt động mang tính sư phạm, tính giáo dục cho HS. Để làm được điều đó, cần tính đến đặc điểm phát triển tâm sinh lý của HS, khung cảnh văn hóa nhà trường. Vì vậy, các hoạt động trong trường học, từ hoạt động chuyên môn đến các hoạt động phong trào đều cần thiết có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để vừa mang tính giáo dục, vừa phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của HS.