Kinhtedothi - Thời gian qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, Trung tâm Trợ giúp nông dân (TGND) Hà Nội (thuộc Hội Nông dân TP) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân. Với mục tiêu đưa DN đến gần với nông dân, Trung tâm đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Nhằm nâng cao vai trò của nông dân trong bảo hộ nhãn hiệu nông sản, năm 2014, Trung tâm TGND Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn "Xây dựng thương hiệu và kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm" cho 2,4 triệu hội viên trên địa bàn TP. Trước thực tế hiểu biết thị trường của nông dân còn nhiều hạn chế, Trung tâm đã đi sâu vào tập huấn cho nông dân về các nội dung kiến thức thị trường tiêu thụ nông sản và tư vấn luật. Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động phối hợp với Phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN Hà Nội) xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho nông sản. Tính đến thời điểm này, Hội Nông dân các cấp đã làm chủ 7 thương hiệu và nhãn hiệu nông sản: Rau hữu cơ Thanh Xuân, Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Bánh tẻ Phú Nhi, Mây tre đan Phú Nghĩa, Kẹo lạc Phú Xuyên, Chè Bắc Sơn và Thuốc Nam, Bắc Ninh Hiệp.
Giám đốc Trung tâm TGND Hà Nội Tô Hải Long cho biết, với mong muốn đẩy mạnh kết nối giữa DN với nông dân bằng việc đưa DN đến trực tiếp đặt hàng với nông dân thông qua việc tham gia các hội chợ làng nghề, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt, động viên nông dân tiến tới sản xuất nông sản sạch, Trung tâm phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức tập huấn cho nông dân về phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) cho hàng trăm hội viên tại nhiều địa phương: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Tây Hồ... Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện thành công một số mô hình dự án như: Chăn nuôi lợn thịt bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh thái tại xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, trồng cỏ ngọt tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Hiệu quả từ kết nối
Dù mới đi vào hoạt động được một năm, song điểm giới thiệu sản phẩm của Hội Nông dân xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan và mua sản phẩm. Tận dụng lợi thế của sản phẩm làng nghề cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm TGND, Hội Nông dân xã Phú Nghĩa đã khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể của sản phẩm mây tre đan. Mới đây, Trung tâm vừa xây dựng Điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội với diện tích 800m2. Đơn vị đã ký kết thực hiện chương trình phối hợp của Hội Nông dân TP Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh, TP giai đoạn 2014 - 2018 giới thiệu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội và 14 tỉnh, thành. Đến thời điểm này, các gian hàng sản phẩm làng nghề đã đi vào hoạt động. Trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các gian hàng sản phẩm nông nghiệp, dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào tháng 5 tới.
Về vấn đề đảm bảo quyền lợi của nông dân khi "bắt tay" với DN, ông Long cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là tất cả các sản phẩm do người nông dân làm ra phải được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu và quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng. Nghĩa là, sản phẩm phải được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đạt theo tiêu chuẩn và khẳng định được thương hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc, DN sẽ cam kết "làm ăn" lâu dài với nông dân. Hiệu quả lâu dài còn thể hiện ở chỗ ngày càng thu hút được nhiều nông dân tham gia vào Hội. Khi hoạt động của Hội mang tính kỷ luật cao, đoàn kết, chặt chẽ thì ý thức kỷ luật của nông dân cũng sẽ được nâng lên, sản phẩm làm ra sẽ đảm bảo chất lượng nên đáp ứng yêu cầu của DN là điều tất yếu.
Chăm sóc rau an toàn Vietgap tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Chiến Công
|
Hiện tại, Trung tâm đã huy động được trên 10 DN ở các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, phân phối nông sản... tham gia vào các gian hàng trưng bày. Hy vọng Điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội sẽ thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trở thành đối tác. Ông Tô Hải Long - Giám đốc Trung tâm TGND Hà Nội. |