Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu nối thành thị và nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm qua, chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông (VT) - CNTT và đặc biệt là đưa các dịch vụ viễn thông băng rộng về nông thôn của VNPT đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Internet "kết nối" huyện mới Lâm Bình

Mới thành lập từ tháng 2/2011, Lâm Bình là một huyện "mới toanh" của tỉnh Tuyên Quang. Để "kết nối" Lâm Bình với các địa phương khác, cùng với hạ tầng giao thông, mạng lưới thông tin liên lạc cũng đóng vai trò thiết yếu. Nhiệm vụ này được giao cho VNPT Tuyên Quang. Sau chưa đầy 3 tháng triển khai, VNPT Tuyên Quang đã lắp đặt, xây dựng được 12 trạm BTS, 150km đường dây cáp quang đến 100% các xã, 20 km đường dây cáp đồng, 100% các trạm BTS đã được phát sóng. Đến nay, toàn huyện đã có 435 thuê bao điện thoại cố định, 175 thuê bao Internet, 45 thuê bao MyTV. Việc phát triển mạng lưới Internet cũng như các dịch vụ VT - CNTT của VNPT bước đầu giúp đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của Lâm Bình đi vào ổn định và phát triển.

Không chỉ tại Lâm Bình, những đóng góp của mạng lưới VT - CNTT mà VNPT đã và đang triển khai cũng góp phần to lớn vào công cuộc CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2009, khi Dự án thử nghiệm công nghệ Wimax do Tập đoàn Intel, Công ty VDC thuộc VNPT cùng cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) được triển khai ở Sapa không những thanh niên mà đến người già của Tả Van, xã vùng cao của huyện Sa Pa (Lào Cai) cũng không còn xa lạ gì với Internet.

Khi đó, ở Tả Van đã có 11 điểm có thể kết nối Internet băng rộng nhờ sử dụng đồng thời công nghệ truyền dẫn không dây tốc độ cao Wimax và kết nối vệ tinh. Mọi thông tin về Tả Van đều được đưa lên website. Thế rồi, Tả Van  trở nên "nổi tiếng" và là điểm du lịch hấp dẫn nhất của huyện Sa Pa.

VNPT và công cuộc "xã hội hóa" Internet

Những năm qua, với mục tiêu "xã hội hóa Internet" và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, VNPT đã hết sức nỗ lực để xây dựng một mạng lưới Internet có hạ tầng hoàn thiện, năng lực phục vụ cao, chất lượng tốt, dịch vụ đa dạng và hợp lý hóa giá thành để giảm cước. Đến nay, cùng với hệ thống cung cấp dịch vụ và sau bán hàng, mạng Internet của VNPT cũng đang là mạng duy nhất được triển khai trên nền công nghệ NGN, kết nối tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet băng rộng của VNPT đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng.

Việc phổ cập Internet tới người dân trên cả nước và Chương trình đưa CNTT về nông thôn đang được VNPT tích cực triển khai thông qua  các chương trình phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn, 1 triệu giờ đồng hành, chương trình viễn thông công ích, chương trình hỗ trợ kết nối Internet đến tất cả các trụ sở xã phường, trường học, cơ sở y tế... Những chương trình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung, của toàn xã hội, mà còn trực tiếp thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn.