Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu thị để làm đẹp Thủ đô

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận từng chưa bằng lòng về cách trang trí đường phố Thủ đô trong thời gian gần đây.

 Để chuyên nghiệp hóa phong cách trang trí chiếu sáng, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí chiếu, kết quả của cuộc thi đang phần nào đem hy vọng giảm tránh nhược điểm trang trí chiếu sáng Thủ đô.

Thực sự phản cảm?

Những năm gần đây, Hà Nội đầu tư nhiều cho công tác trang trí chiếu sáng để làm đẹp Thủ đô. Trong dịp Tết Nguyên đán 2016, kỷ niệm ngày thành lập Đảng… không chỉ có đường Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ hay quảng trường 19/8, vườn hoa Đông Kinh Nghĩa Thục… được kết đèn hoa, mà các khu đô thị mới, con đường cửa ngõ vào Thủ đô như đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Nguyễn Chí Thanh… cũng đã được trang hoàng nhiều sắc màu. Những khi đèn hoa giăng mắc, không chỉ người dân ngắm nhìn, rất nhiều đôi nam nữ đã chọn các khu vực này là điểm chụp ảnh, dạo chơi. Bạn Thanh Tú – sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, khu ký túc xá nơi tôi ở lại rộn ràng sinh viên rủ nhau ra phố chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc là sinh viên ở thị thành. Dịp Tết Nguyên đán năm 2016, nhiều người kêu đèn trang trí quá lòe loẹt, nhưng chúng tôi vẫn tìm được những con đường dịu mát, dùng sắc trắng làm chủ đạo để trang trí như đường Văn Cao”.
Công nhân Công ty Chiếu sáng Hà Nội trang trí đèn trên đường phố. Ảnh: Hải Linh
Công nhân Công ty Chiếu sáng Hà Nội trang trí đèn trên đường phố. Ảnh: Hải Linh
Là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác trang trí đường phố trong thời gian qua, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thừa nhận: “Việc trang trí Hà Nội so với trước đây có tốt hơn, nhưng hài lòng hết thì chưa”. Bởi đâu đó vẫn có tuyến đường rực sắc màu không phù hợp với không gian cổ kính của Thủ đô. “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác trang trí đường phố của Thủ đô vẫn… bao cấp quá. Ví dụ, cổng Ô Quan Chưởng, rồi các cổng làng cổ rất đẹp, cứ đến lễ, Tết lại nhằng nhịt cờ đuổi nhau, màu sắc xanh đỏ, phá tan hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích” - họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai thẳng thắn phê bình trong sự kiện liên quan đến thiết kế trang trí chiếu sáng mới đây.

Và để tránh tư duy trang trí kiểu “chắp vá, tùy tiện, xấu về hình, màu sắc quá sặc sỡ” như nhận xét của KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng, đầu tháng 3/2016, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí chiếu sáng, huy động sức sáng tạo của giới họa sĩ, kiến trúc, đồ họa nhằm chuẩn hóa công tác trang trí chiếu sáng đô thị.

Cầu thị ý kiến người dân

Theo kế hoạch khi phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã gặt hái được kết quả. Sở VH&TT Hà Nội mới bước đầu thông báo cuộc thi nhận được 56 mẫu thiết kế và chọn được 12 tác phẩm chấm giải. Tuy nhiên, cuộc thi đã không tìm được giải Nhất. Hiện nay, Ban tổ chức đang trình UBND TP kết quả giải thưởng trước khi tổng kết trao giải, trưng bày lấy ý kiến Nhân dân để áp dụng vào thực tế.

Theo người đứng đầu Sở VH&TT thì trước đây có hai việc mà Sở chưa làm được, một là chưa lấy được ý kiến của các chuyên gia một cách sâu sắc, hai là lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan thông tin đại chúng trong việc làm mới các biểu tượng trang trí hoặc thay đổi cách trang trí ở một số điểm. Vì thế, sau cuộc thi, Sở sẽ tiến hành “trưng cầu dân ý” bằng cách đưa thông tin lên các cơ quan thông tin đại chúng.

“Chúng tôi phải thêm quy trình này để đúng với mục đích là phục vụ Nhân dân. Nhân dân tiếp nhận những mẫu trang trí mới thì Sở mới làm. Nếu Nhân dân bảo xấu chúng tôi sẽ không làm nữa. Tôi xin khẳng định rõ quan điểm như vậy. Có thể họa sĩ cho là đẹp, nhưng Nhân dân bảo không được thì chúng tôi cũng không cho thể hiện ở ngoài đường phố. Bởi tôi xin nói rõ là chúng tôi phục vụ Nhân dân chứ không phải phục vụ họa sĩ. Nhân dân và cơ quan báo chí sẽ là hai đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi Sở quyết định” – ông Tô Văn Động nhấn mạnh.

56 tác phẩm dự thi là con số khá khiêm tốn so với lực lượng hàng nghìn họa sĩ đang sinh hoạt ở các hội mỹ thuật chuyên ngành. Và cuộc thi cũng chưa đáp ứng đủ mong muốn tập hợp lực lượng kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, giao thông, chiếu sáng, đại diện cơ quan bảo tồn bảo tàng… thành ủy ban thiết kế trang trí đô thị như ở Đức và Áo. Nhưng với tư cách là địa phương đầu tiên ở Việt Nam phát động, tổ chức một cuộc thi chưa từng có tiền lệ thì thể hiện rõ tinh thần cầu thị của Hà Nội nhằm giảm tránh những nhược điểm trang trí chiếu sáng đô thị.
Cuộc thi thiết kế trang trí chiếu sáng

Chưa tìm được tác phẩm để trao giải Nhất

Cầu thị để làm đẹp Thủ đô - Ảnh 1Ngay sau thông tin cuộc thi “Cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí TP Hà Nội năm 2016” bước đầu có kết quả, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi xung quanh chất lượng của các tác phẩm góp sức làm đẹp bức tranh chiếu sáng Thủ đô thời gian tới.

Với vai trò là Trưởng ban Giám khảo“Cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí TP Hà Nội năm 2016”, ông có thất vọng khi cuộc thi chỉ nhận được 56 tác phẩm dự thi?

- Trước hết tôi khẳng định tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí đường phố Hà Nội là việc làm tốt vì sẽ tập hợp được lực lượng họa sĩ của Hà Nội cho công việc chung của Thủ đô. Tuy nhiên, vì hình thức tổ chức mới, lại là lần đầu nên số lượng tác phẩm tham dự không nhiều. Hơn nữa, tính số lượng họa sĩ Việt Nam đang có hàng nghìn người, nhưng không phải ai cũng có chuyên ngành, kinh nghiệm trang trí trên đường phố nên muốn hình thành đội ngũ chuyên nghiệp chúng ta phải làm dần. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng các bài viết làm hết sức cẩn thận, hầu hết làm trên máy tính nên thể hiện tinh thần nghiêm túc. Song phải thẳng thắn là Ban giám khảo chưa thật sự hài lòng, vì các bài thi chưa có nhiều đột phá, vẫn đi theo lối mòn như: Giăng qua đường với hoa xanh, đỏ, biểu tượng ở các ngã tư, treo đèn 2 bên đường để trang trí…, chưa có dạng trang trí mới. Do đó Ban giám khảo đã không chọn được tác phẩm giải Nhất. Nhưng tôi nhấn mạnh lại yếu tố lần đầu tổ chức. Những cuộc thi theo hình thức này được tổ chức hàng năm chắc chắn chất lượng sẽ khác, sẽ dần thu hút được đội ngũ đồ họa ở các công ty quảng cảo, công ty đồ họa chuyên về lĩnh vực này.

Theo ông, Hà Nội cần rút kinh nghiệm gì từ cuộc thi lần đầu này?

- Trang trí đường phố phải xác định không phải là trang trí hàng ngày, mà chỉ trong ngày lễ để tránh nhàm chán. Và để chuẩn bị tốt cho các dịp trang trí, Hà Nội nên tổ chức phát động 2 đợt thi, 6 tháng đầu phục vụ Tết Nguyên đán, thành lập Đảng… 6 tháng cuối năm là Giải phóng Thủ đô… Tôi cũng mong trong các tiêu chí trang trí chiếu sáng, ngoài xanh, sạch, đẹp cần bổ sung yếu tố thông thoáng. Vì nếu cứ trang trí theo kiểu có gì giăng hết ra, cản trở giao thông thì không còn cái gọi là hiệu quả trang trí đô thị.

Mỗi công trình trang trí chiếu sáng cần đầu tư kinh phí không nhỏ. Nếu phát động liên tục, sử dụng nhiều mẫu trang trí phải chăng sẽ là lãng phí?

- Có cuộc thi sẽ tìm được những mẫu trang trí đẹp. Khi có mẫu tốt, mỗi mẫu trang trí có thể sử dụng nhiều lần, chuyển từ trung tâm ra ngoại thành. Một mẫu được sử dụng lần này có thể tái sử dụng thời gian sau đó trên cùng khu vực. Hà Nội không có nhiều tiền để trang trí đồng loạt trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.

Có kinh nghiệm học hỏi trang trí chiếu sáng ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông có thể cho biết các nước phát triển có xu hướng trang trí chiếu sáng như thế nào?

- Thủ đô của nhiều quốc gia đã hạn chế treo đèn ở các cột hai bên đường, mà tận dụng cây xanh. Họ sử dụng các giỏ hoa có tuổi thọ nhiều tuần để treo trên các cột đèn. Ngoài ra, Hà Nội có thể học nước ngoài sử dụng bức tường của các cơ quan, tường dọc phố để thực hiện các bano tuyên truyền thay cho các bano đang chắn ngang ở các ngã tư. Những khu vực trọng yếu như quảng trường trước Nhà hát lớn Hà Nội cũng cần hạn chế các khối hình trang trí mà tận dụng hệ thống đèn lazer để làm đẹp mặt phố.

Xin cảm ơn ông!
Linh Anh thực hiện