KTĐT - Theo quan sát của chúng tôi, trên mặt cầu, hàng chục vết nứt xuất hiện khá rõ, tất cả nằm theo phương ngang, dọc và xiên với phạm vi nứt từ 1 - 2m2/cụm. Đặc biệt, có những vết nứt rộng đến gần 3cm, dài từ 1,8 - 2m/chiều dọc cụm.
Cầu Thuận Phước là cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2009. Tuy nhiên, mới chỉ sau 1 năm sử dụng, tại nhịp chính của cầu đã xuất hiện những vết nứt ngang dọc trên lớp phủ bề mặt.
Theo quan sát của chúng tôi, trên mặt cầu, hàng chục vết nứt xuất hiện khá rõ, tất cả nằm theo phương ngang, dọc và xiên với phạm vi nứt từ 1 - 2m2/cụm. Đặc biệt, có những vết nứt rộng đến gần 3cm, dài từ 1,8 - 2m/chiều dọc cụm.
Theo lời một số thợ chụp ảnh dạo trên cầu Thuận Phước cho biết, vết nứt trên lớp phủ mặt cầu xuất hiện được vài tuần nay. Sau khi phát hiện các vết nức, nhà thầu thi công đã dùng nhựa đường vá các vết nứt, nhưng vẫn không che hết được.
Ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông công chính TP Đà Nẵng, đơn vị quản lý dự án cầu Thuận Phước, cho biết: “Lớp phủ mặt cầu được thi công bằng vật liệu và công nghệ mới, hiện đại nhất hiện nay, đó là công nghệ thi công lớp phủ mặt cầu bằng vật liệu và công nghệ Epoxy. Tuy nhiên, do công nghệ quá mới nên không tránh khỏi việc xuất hiện cục bộ các vết nứt".
Ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC, đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước cũng thừa nhận: “Nguyên nhân nứt có thể do lớp phủ bị trượt khỏi liên kết với bản mặt cầu bởi chịu ngoại lực lớn như ô tô tải trọng lớn đi qua, cộng với những biến dạng do thay đổi nhiệt độ...”.
Theo ông Quang, đơn vị của ông sẽ khắc phục và xử lý trong thời gian tới, tránh tình trạng ngấm nước gây bong tróc dây chuyền và sẽ thi công thêm các gờ neo liên kết chống trượt dọc trên mặt đường nhằm chống chuyển dịch do sự co giãn nhiệt hoặc do tải trọng động của xe cộ”.