Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cha mẹ là tấm gương của con

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sao con dám nói dối mẹ? Sao con dám nói dối là hôm nay cô cho nghỉ học, để bây giờ cô giáo gọi điện nhắc nhở. Và đây cũng không phải lần đầu tiên”, chị tiếp tục quát lên với con trai.

Thằng bé không nhìn mẹ, mắt vẫn dán vào cái tivi trước mặt, thản nhiên: “Có gì to tát đâu mà mẹ làm ầm lên, mẹ cũng thường xuyên làm thế mà”. Câu nói của nó làm chị càng điên lên, còn anh ngồi gần đấy nghe tự nhiên bật cười. Anh quay sang chị: “Con có lỗi, anh đồng ý, nhưng em cũng nên xem lại mình, bình thường em vẫn hay nhờ con nói dối về mấy cái việc lặt vặt còn gì, nào là nghe hộ điện thoại bảo mẹ cháu không có nhà. Rồi em hứa với con xong lại nói dối là mẹ bận, mẹ không tìm được…”.

Ảnh minh họa.

Nhiều người hay phàn nàn về việc con liên tục nói dối, rất khó dạy bảo. Nhiều cuộc khảo sát quanh vấn đề này cũng cho thấy, phần lớn trẻ cho rằng, phải nói dối là để "đối phó" với việc "bị cha mẹ đánh, mắng, trách phạt" và nói thật thì cha mẹ không tin. Nếu nhìn kỹ lại, các nguyên nhân khiến trẻ nói dối đều bắt nguồn từ gia đình trước tiên. Trước hết, bố mẹ thường dễ thất vọng, giận dữ và nổi nóng khi các em vấp ngã, phạm sai lầm. Sau nhiều lần bị trách mắng, khiến các em sợ và để tránh thì buộc phải nói dối. Hay đối với một em khi mắc sai lầm, nói dối trở thành chiếc phao cứu hộ giúp tránh những trận đòn roi nhớ mãi. Ban đầu trẻ chỉ nói dối không vụ lợi (vô thức), sau đó chuyển sang vụ lợi (có ý thức). Chưa kể đến việc, chính người lớn cũng đang “vô tình” dạy con nói dối hằng ngày. Không ít ông bố, bà mẹ còn ngang nhiên nói dối người khác trước mặt con, có người còn “nhờ” con nói dối hộ. Khi đi đến trường, có thêm những mối quan hệ ngoài gia đình, qua giao tiếp với bạn bè, người lớn... trẻ còn có nhiều cơ hội học bài học "trung thực hay không".
Và từ những bài học không mấy tốt ấy, những đứa trẻ cũng nhận thấy rằng, khi lần đầu tiên nói dối, đều cảm thấy rất sợ và ân hận vì hành vi của mình. Tuy nhiên, khi lời nói dối được chấp nhận và bỏ qua dễ dàng, cảm giác lo sợ và áy náy cứ giảm dần đi, song hành với đó là việc nói dối ngày càng tăng và trở nên điêu luyện hơn, nhiều em nói dối dễ dàng với thái độ vô cảm miễn sao đạt được mục đích mình mong muốn. Cùng với quá trình định hình nhân cách của trẻ, việc thường xuyên nói dối cũng dẫn đến sự méo méo về nhân cách sống, kỹ năng sống cũng từ đó mà ra.
Vì thế, bố mẹ cần phải giám sát con để kịp thời chỉnh sửa những biểu hiện thiếu trung thực nơi trẻ. Dạy con không phải chỉ là những lời giáo huấn, quan trọng hơn là tấm gương của chính những người xung quanh và môi trường giáo dục nền nếp, quy củ. Nói dối trở thành nếp nghĩ ngay từ thủa ấu thơ ắt sẽ dẫn đến gian dối trong công việc, trong các quan hệ xã hội khi trẻ trưởng thành. Chính vì thế, giáo dục bước đầu của các bậc cha mẹ là rất cần thiết để xây dựng nên tâm hồn trong sáng, trung thực cho trẻ.