KTĐT - Anh Trường kể: “Thằng bé khóc ngằn ngặt vì nhớ ti mẹ. Bà nội có giục: "Cho nó "nhay" tí đỡ thèm thì vợ tôi đùn đẩy: "Thôi, bà cho cháu xài bình tạm. Bám mẹ thế này, con chẳng làm được gì". Vài bữa sau, quen với ti bình, cu cậu không thiết tha gì mẹ nữa thì cô ấy phấn khởi: "Đấy, sữa ngoại còn bằng vạn ti mẹ ấy chứ”.
‘Vợ tôi chẳng tiếc mua cho con cái cũi Thái giá gần 6 triệu đồng, để rồi ba hôm sau, khi lướt net, lại mê mẩn và đổi luôn sang cái cũi khác của Nhật, với số tiền không nhỏ. Anh Quân (Tây Hồ, Hà Nội) tâm sự
Tôi góp ý thì cô ấy bĩu môi: "Đáng bao nhiêu mà anh tiếc. Con mình khỏe mạnh, thông minh thì chẳng lo". Nếu có cái cũi khiến con thông minh thì tôi đâu kêu trời làm gì, đằng này…”.
Lúc mới cưới, vợ anh Quân tuyên bố, kinh tế phải thật vững mới tính chuyện con cái. Sinh con mà thiếu trước hụt sau thì chỉ tổ mệt óc, lại tội nghiệp cho con. Vợ chồng anh “kế hoạch” gần một năm chỉ để kiếm vốn “hòm hòm” chuẩn bị cho tương lai tươi sáng của con. “Điên cuồng” kiếm tiền và sau đó “thích là chi” vốn là phương châm sống của vợ anh.
Hồi đầu, thấy vợ sắm sửa toàn hàng nhập ngoại cho con, anh Quân cũng xót ruột. Trẻ con mau lớn, chẳng mấy chốc là phải thay đồ mới. Nhưng số tiền đó còn do vợ kiếm được nên lời góp ý của anh không có trọng lượng. “Mẹ tôi mang cho bọc quần áo cũ của đứa cháu dưới quê, cô ấy bỏ xó còn chê bai: "Mặc để con mình ghẻ lở, hắc lào à?". Cô ấy rất “chịu chơi”, mua toàn váy áo Mỹ, Hàn cho con gái mà theo lời cô ấy thì mỗi cái chỉ vài ba trăm ngàn, hàng chục cái mới có dăm ba triệu” – Anh Quân ngậm ngùi. Đấy là chưa tính tiền sữa, bỉm, phí khám chữa bệnh và hàng đống thứ lằng nhằng khác.
Còn anh Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) thương con thèm sữa mẹ mà mẹ lại bận rộn quá. Hết thời lượng ở cữ, vợ anh tít mù với việc làm chính, làm thêm, tối nào cũng tối mịt, con ngủ giấc say mới thấy về. Ban đầu, Hoa (vợ anh) còn tranh thủ phóng xe về cho con “ti” buổi trưa nhưng sau phần vì mệt, phần vì năng suất làm việc giảm, sợ cắt thưởng, Hoa ngừng luôn.
Anh Trường kể: “Thằng bé khóc ngằn ngặt vì nhớ ti mẹ. Bà nội có giục: "Cho nó "nhay" tí đỡ thèm thì vợ tôi đùn đẩy: "Thôi, bà cho cháu xài bình tạm. Bám mẹ thế này, con chẳng làm được gì". Vài bữa sau, quen với ti bình, cu cậu không thiết tha gì mẹ nữa thì cô ấy phấn khởi: "Đấy, sữa ngoại còn bằng vạn ti mẹ ấy chứ”.
Cùng cảnh với anh Trường, anh Khanh (Long Biên, Hà Nội) có vợ trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi… chăm con. Anh Khanh cho biết: “Từ ngày có bầu, vợ tôi đã lên kế hoạch cho con bú bình. Theo cô ấy, như thế không lo mất dáng vòng một, đêm đến lại có bà nội pha sữa hộ”. Hơn nữa, vợ anh cũng ngại cho con bú vì sợ mình gầy yếu, sữa cũng kém chất lượng nên từ khi lọt lòng, bé nhà anh đã quen với vị sữa ngoài. Ít phải cho con bú nên những khi rảnh, vợ anh mặc sức đi làm đẹp, mua sắm, gặp gỡ bạn bè…
Học để làm mẹ
Tất nhiên, chuyện mua sắm, cho con bú mẹ hay bú bình là tùy hoàn cảnh, lựa chọn của gia đình. Tuy nhiên, cách nuôi con sao cho an toàn và kinh tế nhất nên được người mẹ chú ý. Chẳng hạn, có thể tính toán chi phí cho con để đảm bảo tiết kiệm mà hiệu quả. Tránh mua tùy hứng, mua theo ý thích vì các bé lớn rất nhanh và mốt dành cho các bé cũng thay đổi chóng mặt.
Thứ hai, việc nuôi con bằng sữa mẹ nên được ưu tiên hàng đầu. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tức là chỉ cần cho bé bú mẹ (mà không cần cho ăn hay uống thêm bất cứ gì, kể cả nước lọc) trong sáu tháng đầu đời, sau đó bổ sung thức ăn phù hợp và tiếp tục cho con bú cho tới 2 tuổi. Với những người mẹ đi làm, có thể tranh thủ thời gian buổi trưa để về nhà con con bú hoặc chọn cách vắt sữa mẹ. Kiên trì vắt và bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, bé sẽ có đủ nguồn sữa mẹ mà vẫn an toàn. Ngoài ra, cho con bú cũng là cách hiệu quả để xây dựng tình cảm giữa mẹ và bé.