Chắc chắn và khá thuyết phục là nhận xét được nhiều vị đại biểu dành cho hai vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp và tài chính, với ba vị còn lại là “thông cảm nhưng chưa yên tâm”. Phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ hai của 4 vị bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kết thúc vào sáng nay (25/11). Diễn ra lần đầu tiên tại Quốc hội khóa mới với sự điều hành của tân Chủ tịch Quốc hội và nhiều bộ trưởng cùng đại biểu mới, bên cạnh sự mong đợi còn có cả sự kỳ vọng được đặt vào hoạt động chất vấn tại kỳ họp này. Với một số vị đại biểu dày dạn kinh nghiệm nghị trường, thì người được “chấm điểm” cao nhất chính là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bởi sự điều hành quyết đoán, mạch lạc và cũng không kém phần dí dỏm của ông. “Như thế, mới gom được vấn đề và không lệch trọng tâm của các nhóm vấn đề chính”, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét. Các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trương Văn Vở, Đỗ Văn Đương và nhiều vị khác cũng có chung nhận xét này. Bởi một ưu điểm thấy rõ nhất của cách điều hành quyết liệt này là tại các phiên chất vấn, gần như tất cả các vị đại biểu bấm nút đăng ký đều được nêu câu hỏi. Và bộ trưởng có muốn “câu giờ” cũng khó. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nhận xét Chủ tịch điều hành đôi chỗ còn hơi “cứng” quá về thời gian khiến đại biểu khó nói đầy đủ vấn đề được nêu ra để cử tri hiểu (phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp). Sau ngày chất vấn đầu tiên, Chủ tịch cũng nói: “Một số đại biểu Quốc hội góp ý là có làm gọn quá lúc hỏi và lúc giải trình, lúc trả lời chất vấn... Xin rút kinh nghiệm và mong Quốc hội thông cảm, vì thời gian có hạn thôi”. Với “nhân vật” chính là các bộ trưởng, đương nhiên cũng có đủ cả khen và chê. Thống đốc Nguyễn Văn Bình - một trong số các thành viên trẻ nhất của Chính phủ, lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn - được khen là “tự tin, rành rọt” nhưng vẫn còn ý kiến cho là “thiếu chiều sâu và chưa đủ thuyết phục”. Một vị đại biểu từng là lãnh đạo của một ngân hàng lớn nhận xét, các câu hỏi đặt ra cho Thống đốc đều đi vào trọng tâm, nhưng câu trả lời thì còn “nhiều vấn đề”. Cái dở nhất, theo vị đại biểu này, chính là tân Thống đốc đã phê phán sự “không tích cực” trong điều hành lãi suất khi ông chưa ở vị trí người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời khẳng định kể từ tháng 8 trở lại đây (trùng với thời gian Thống đốc được bổ nhiệm) có những dấu hiệu tích cực… “Dù đúng hay sai thì cũng không nên bắn súng vào quá khứ, chưa kể là cũng chưa thể nói rõ đúng sai ở đây”, vị đại biểu này nhận xét. Một số vị đại biểu khác cũng phân vân về định lượng của Thống đốc về các ngân hàng yếu kém cũng như khẳng định “đến tháng 8 chúng ta thấy rằng trần lãi suất 14% là đúng và là tích cực”. Nhận xét Thống đốc trả lời hơi lòng vòng, song ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng cần phải thông cảm vì ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều thông tin không thể chi tiết quá. Đồng tình với nhiều ý kiến khen Bộ trưởng Huệ trả lời chắc chắn, song đại biểu Quang cũng “phát hiện” rằng Bộ trưởng Huệ không trả lời ngoài những câu hỏi đã được chuẩn bị. Vì thế, ông Huệ đã “bỏ sót” ngay chính câu hỏi của đại biểu Quang liên quan đến chính sách xuất khẩu và thuế xuất khẩu với một số sản phẩm mà giá thành chưa phản ánh đúng thực chất chi phí đầu vào do được Nhà nước bù lỗ liên quan đến than và điện. Riêng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhiều vị đại biểu lộ rõ sự thông cảm, nhưng không giấu sự thất vọng về phần trả lời chất vấn của ông.