Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấm dứt tình trạng “loạn” chất lượng vàng trang sức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/6, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN bắt đầu có hiệu lực. Theo đó,...

Kinhtedothi - Từ 1/6, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ muốn lưu hành trên thị trường phải đủ độ tuổi, có mã ký hiệu, xuất xứ... Các quy định này sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp (DN) giảm tuổi vàng, bán sản phẩm trang sức không đúng giá trị và bảo vệ người tiêu dùng.

Khi người mua được bảo vệ

Theo quy định của Thông tư 22, bắt đầu từ 1/6, hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về đo lường, tiêu chuẩn về chất lượng và hàm lượng sản phẩm. Các sản phẩm vàng nữ trang bày bán sẽ phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, kiểu dáng kích cỡ… theo nhãn mác và niêm yết công khai… 

 
Người tiêu dùng lựa chọn vàng trang sức trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Linh Anh
Người tiêu dùng lựa chọn vàng trang sức trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Linh Anh
Đại diện Hiệp hội Vàng Việt Nam thừa nhận, hiện nay, chỉ có vàng nguyên liệu 9999 có thể mua bán trên diện rộng. Còn các loại vàng 98%, 97%, 96%, 95% hầu như chỉ chấp nhận mua bán ở từng địa phương. Thậm chí, vàng trang sức 75%, 60%... còn giới hạn trong phạm vi nhỏ là mua ở đâu thì bán ở đó do các cửa hàng thường không công nhận chất lượng sản phẩm của nhau. Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang phụ thuộc vào từng DN, không theo chuẩn bắt buộc là các sản phẩm phải đạt hàm lượng vàng 14k, 18k, 22k, 24k, trong khi, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Chỉ cần nâng khống độ tuổi vàng lên 0,5% thôi, DN đã có thể ăn gian vài trăm ngàn đồng trên mỗi sản phẩm bán ra. Thực tế này đã khiến người mua vàng trang sức buộc phải chấp nhận mua bán theo kiểu may rủi.

Thông tư 22 có hiệu lực được đánh giá là một bước đột phá rất lớn trên thị trường vàng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Triển khai Thông tư 22 sẽ giúp trật tự kinh doanh trên thị trường vàng trang sức minh bạch hơn, những DN làm ăn chân chính sẽ được bảo vệ, những cơ sở làm ăn gian dối, đưa vàng thiếu tuổi, kém chất lượng, vàng độn, thiếu trọng lượng ra thị trường sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Không khó để thực hiện

Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị những ngày cuối tuần qua, tại "phố vàng" Trần Nhân Tông, nhân viên các cửa hàng vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… đều khẳng định, khách hàng mua sản phẩm luôn có kèm giấy bảo đảm ghi rõ các thông tin về trọng lượng, tuổi vàng, mã số. Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng, công ty nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Thông tư 22. Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ hướng tới tính chuyên nghiệp hơn. DN cũng không phải nấu lại sản phẩm. Hiện, nhiều DN lớn đã điều chỉnh lại tuổi vàng ghi trên sản phẩm cũ và sản xuất sản phẩm mới theo đúng quy chuẩn của Thông tư 22. Đây cũng là một cách để DN khẳng định uy tín của mình. 

Theo phân tích của các chuyên gia vàng, thời gian để quay vòng một sản phẩm vàng nữ trang chỉ là 45 ngày. Trong khi đó, Thông tư 22 từ khi ban hành đến khi có hiệu lực kéo dài đến 8 tháng (ban hành tháng 9/2013, đến 1/6/2014 mới có hiệu lực). Trong khoảng thời gian này, DN đã đủ thời gian tái sản xuất các sản phẩm theo quy chuẩn mới. Vì thế, sẽ không có DN nào "ôm" sản phẩm vàng trong vòng 8 tháng liền để bị "chôn" vốn. Ngay cả khi lượng vàng tồn kho chưa bán hết, việc ghi lại tuổi vàng, hàm lượng vàng trên sản phẩm cũng không phải quá khó khăn.

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, quy định Thông tư 22 chỉ yêu cầu DN khi đưa sản phẩm vàng ra thị trường phải đảm bảo hàm lượng vàng, tuổi vàng đúng như đã công bố. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều DN còn hết sức thụ động trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới dẫn đến tình trạng cũng có không ít DN "hoang mang" khi không hiểu rõ hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện các quy định mới.
Thông tư 22 quy định các tiêu chuẩn của vàng trang sức, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn giữa các DN vàng trang sức.

Ông Nguyễn Quang Huy Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước)