Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấm dứt tư duy “ăn xổi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tháng 10/2013, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD, tuy nhiên, do nhiều khó khăn từ nội tại nên tăng trưởng của ngành TCMN có xu hướng giảm sút. Vì vậy, các DN xuất khẩu TCMN cần xây dựng một chiến lược phát triển bài bản.

Bức tranh ít điểm sáng

Theo Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam (Vietcraft), giai đoạn 2000 - 2009, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn tăng trưởng 12%/năm, có năm tới 18%, nhưng từ 2010 trở lại đây, dù kim ngạch vẫn tăng song tốc độ đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng 6%. Có đến 30% DN trong ngành sản xuất không có lãi, phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng TCMN đã tăng 15,3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận của DN đã giảm trung bình tới 10%.

Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Vietcraf, khách hàng EU, Mỹ, Nhật có xu hướng đặt hàng DN Việt Nam thay cho hàng Trung Quốc, nhưng DN Việt gặp khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sức cạnh tranh sản phẩm ngày càng giảm. Hiện xuất khẩu TCMN đạt kim ngạch trên 1,5 tỷ USD/năm, song kim ngạch XK vẫn có thể tăng nếu được đầu tư thích đáng. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có một số chính sách phát triển ngành TCMN song đến nay, việc triển khai gần như "dậm chân tại chỗ"; Ngoài ra, hạ tầng cơ sở, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) chưa đáp ứng được yêu cầu.

 
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gốm Chu Đậu (Hải Dương). Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gốm Chu Đậu (Hải Dương). Ảnh: Hoài Nam
Trao đổi với phóng viên báo KT&ĐT, ông Vũ Huy Thiều - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế HTX (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng: Nguyên nhân khiến kim ngạch XK TCMN suy giảm là mẫu sản phẩm không phù hợp với xu thế hiện đại. Ngoài ra chất lượng hàng còn kém, xuất phát từ chất lượng nguyên liệu thấp, tay nghề gia công có thể nói là ẩu - chủ yếu do DN trả công quá thấp khiến người thợ phải làm ăn gian dối, không bỏ nhiều công cho mẫu mới cũng như chú tâm cho chất lượng.

Thay đổi nhận thức kinh doanh

Theo ông Vũ Huy Thiều, nghệ nhân sáng tác mẫu TCMN nước ta không phải không thể sáng tạo ra mẫu sản phẩm mới nhưng tình trạng " ăn cắp" bán quyền diễn ra tràn lan, khiến người thợ nản lòng. Bởi vậy, một chính sách tốt về sở hữu trí tuệ là rất cần thiết, trong đó quy định nghiêm ngặt về xử phạt hành vi sao chép mẫu mã; Đồng thời, Nhà nước khuyến khích mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu sản phẩm TCMN. Ngay chính bản thân DN cũng cần thay đổi nhận thức kinh doanh theo hướng cạnh tranh bằng sự khác biệt chứ không phải bằng giá rẻ.

Thực tế cho thấy, ngành TCMN muốn phát triển cần xây dựng một chiến lược phát triển cụ thể. Về phía DN cũng cần đầu tư phát triển sản phẩm mới theo hướng không thay đổi hoàn toàn chất lượng và công nghệ đã có, nhưng phải có tính sáng tạo kết hợp giữa nguyên vật liệu và thiết kế mới, sản phẩm sẽ rất được ưa chuộng. Ngoài ra, Nhà nước nên hỗ trợ ngành TCMN trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng XTTM, đặc biệt là hạ tầng thiết kế mẫu.

Ông Lê Bá Ngọc cho biết, Vietcraft đang rà soát lại để xây dựng chiến lược phát triển cho ngành trong những năm tiếp theo, dự kiến cuối năm 2014 sẽ trình Chính phủ. Trong đó, Hiệp hội không đặt mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu mà có thể phấn đấu tăng gấp đôi về đóng góp ngân sách. "Về lâu dài, ngành TCMN sẽ tổ chức sản xuất theo 2 hướng chuyên biệt là sản xuất những sản phẩm đại trà và sản xuất chất lượng cao. Để làm được điều này, Vietcraft sẽ hình thành nên 50 - 70 DN lớn làm hàng giá rẻ, đồng thời duy trì các làng nghề truyền thống dưới dạng bảo tồn, sản xuất những sản phẩm có giá trị cao" - ông Ngọc chia sẻ.