Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấm dứt việc đồng thanh kêu khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo chỉ đạo của Chính phủ, chỉ còn hơn một năm nữa để các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó có thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng việc triển khai tại nhiều TĐ, TCT thiếu quyết liệt, nên quá trình này đang diễn ra chậm. Một trong những lý do mà những DN này đưa ra là do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đồng loạt kêu khó để… chậm thoái vốn

Số liệu kiểm tra việc thoái vốn của các TĐ, TCT mà Cục Tài chính doanh nghiệp tổng hợp cho thấy, thực tế, khá nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT là do lãnh đạo DN quyết định mà không có phương án kinh doanh cụ thể, không được các đơn vị chức năng xem xét, quyết định, trái với quy định của pháp luật. Nghĩa là, xuất phát từ quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch, đến nay, do thị giá của các khoản đầu tư ngoài ngành sụt giảm so với giá trị đầu tư ban đầu, nên mặc dù hiện đã có hướng dẫn cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhưng nhiều TĐ, TCT vẫn kêu khó. Thực chất là do thoái vốn ở thời điểm này sẽ dẫn đến lỗ, nên không ít lãnh đạo các TĐ, TCT sợ trách nhiệm. Bởi vậy, không ít DN thực hiện thoái vốn theo kiểu chiếu lệ, thậm chí cố tình trì hoãn. Để không bị lỗ, các DN thường đưa ra mức giá thoái vốn bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Chính vì thế, phương án thoái 25,2 triệu cổ phần của Ngân hàng Thương mại CP An Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu dự kiến được đưa ra bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 9/8 tới với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu đang đặt ra không ít dấu hỏi. Nghi ngờ là bởi giá trị sổ sách tại thời điểm 20/6/2013 của những cổ phiếu này là 7.419 đồng/cổ phiếu…

Chấm dứt việc đồng thanh kêu khó - Ảnh 1

25,5 triệu cổ phần của Ngân hàng Thương mại CP An Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu dự kiến sẽ được bán đấu giá trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Hà

Việc thoái vốn các khoản đầu tư dẫn tới lỗ sẽ khiến giá trị DN bị giảm. Khi đó, lãnh đạo các TĐ, TCT sẽ bị đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các cơ quan kiểm toán, giám sát truy trách nhiệm. Đây mới là mấu chốt của vấn đề bởi theo ông Đặng Quyết Tiến, nếu DN chỉ cụ thể đâu là vướng mắc trong quá trình triển khai thoái vốn, Bộ Tài chính sẵn sàng có những giải pháp hướng dẫn hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ mới chỉ nhận được 2 - 3 kiến nghị của các TĐ, TCT đề nghị hướng dẫn cho việc triển khai phương án thoái vốn. Và qua tiếp nhận phản ánh của một số DN cũng cho thấy hiện tượng, không ít trường hợp DN thấy DN khác kêu khó thì cũng kêu khó theo, dù có thể thoái vốn theo đúng quy định.

Thêm những giải pháp quyết liệt hơn

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để gỡ vướng cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đến cuối tháng  8/2013, Bộ kiến nghị các giải pháp mới lên Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 71/2013/NĐ - CP về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, đã quy định cụ thể phương thức thoái vốn đầu tư nói chung, các khoản đầu tư ngoài ngành nói riêng. Cụ thể, khi DN chuyển nhượng vốn Nhà nước tại công ty CP đã niêm yết hoặc chưa niêm yết, nhưng đã đăng ký trên hệ thống giao dịch chứng khoán, DN thực hiện theo phương thức khớp lệnh, hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán. Với những khoản đầu tư vào các DN không thuộc các trường hợp vừa nêu, thì DN thoái vốn theo hình thức bán đấu giá công khai. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản, thì bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

"Ngoài tập trung rà soát để đơn giản hóa thêm một bước các thủ tục về thoái vốn áp dụng đối với DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn, Bộ Tài chính đang tổng hợp tiếp các vướng mắc liên quan đến cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành để trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về các giải pháp gỡ khó cho DN trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu, trong đó có thoái vốn đầu tư ngoài ngành" - đại diện Bộ Tài chính cho biết và đề nghị, để các giải pháp đưa ra có tính khả thi cao, các DN cần tích cực phản ánh vướng mắc về Bộ Tài chính, tránh tình trạng kêu khó chung chung như hiện tại.