Nhờ đó, chất lượng dạy và học của giáo viên (GV) và con em nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Đảm bảo chế độ chính sách, đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015”, UBND TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND để tổ chức thực hiện. Theo đó, TP đã dành 643 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn 14 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đến nay, đã có 20/56 trường học các cấp thuộc khu vực miền núi của Thủ đô có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia (chiếm 35,7%). Dự kiến đến hết năm 2015, khi một số dự án đang triển khai hoàn thành, số trường đạt chuẩn quốc gia sẽ tăng thêm 15 trường, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên con số 62,5%.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ GV vùng đồng bào dân tộc miền núi thông qua thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách luôn được coi trọng. Hiện, trên địa bàn 14 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi có 200 GV đang công tác là người dân tộc thiểu số. Cán bộ, GV trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản; được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Ngoài chế độ chính sách chung của Nhà nước, đội ngũ GV công tác tại các xã miền núi của TP được hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng. Để tạo điều kiện và khuyến khích các em học sinh (HS), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/NĐ-TTg. Theo đó, HS hộ nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 70.000 đồng/HS/tháng (mầm non) và 140.000 đồng/HS/tháng (tiểu học, THCS, THPT). Ngoài ra, các em HS còn được các trường cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập và một số đồ dùng sinh hoạt. Chế độ cử tuyển đối với HS là người dân tộc tiếp tục được đảm bảo. Từ năm 2011 - 2015, đã có 59 HS vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn TP được đi học theo chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Việc tuyển sinh HS vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú của TP được thực hiện theo hình thức xét tuyển công khai, minh bạch, đúng chỉ tiêu và đối tượng dựa trên hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Nhờ sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, chất lượng dạy và học tại vùng đồng bào dân tộc miền núi không ngừng được nâng cao. Hiện, 14 xã vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS học tiếp trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm 2015 đạt trên 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương khoảng 80%... Trong năm học 2014 - 2015, đã có 148 em HS là người dân tộc đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp quận, huyện, thị xã, cấp TP, cấp quốc gia và các em đỗ đại học đạt điểm số cao từ 21 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia.
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác GD&ĐT, tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn đó không ít khó khăn. Việc tiếp cận giáo dục của HS tại một số xã vùng sâu, vùng xa như Trần Phú (Chương Mỹ), Ba Vì, Minh Quang (Ba Vì)… còn rất khó khăn do điểm trường xa. Trang thiết bị phục vụ dạy và học nhiều điểm trường chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập... Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT khu vực miền núi của Thủ đô, TP đang chỉ đạo đơn vị và các sở, ngành liên quan tiếp tục khảo sát, nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nhà giáo, cán bộ quản lý, HS và cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ông Vinh cũng kiến nghị, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về hạ tầng, rất mong các ban, ngành T.Ư và TP tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực nhiều hơn, tạo điều kiện để chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô ngày một được nâng cao.
Trường Tiểu học Yên Trung, Thạch Thất được đầu tư khang trang. Ảnh: Trọng Tùng
|