Chăm lo thiết thực cho người lao động

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công nhân lao động (CNLĐ) lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Thấu hiểu điều đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ, giúp CNLĐ vượt qua khó khăn, yên tâm gắn bó với DN.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao quà Tết cho công nhân lao động tại Chương trình Tết Sum vầy năm 2022. Ảnh: Thủy Tiên  
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao quà Tết cho công nhân lao động tại Chương trình Tết Sum vầy năm 2022. Ảnh: Thủy Tiên  

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài suốt hơn hai năm qua đã khiến không ít người lao động (NLĐ) đã phải rời các TP lớn để về quê vì mất việc hoặc thu nhập không đảm bảo để duy trì cuộc sống. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.

Theo quyết định này, NLĐ thuê trọ đang làm việc trong DN và NLĐ quay trở lại thị trường lao động, nếu đủ điều kiện sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng, với phương thức chi trả hàng tháng trong tối đa 3 tháng. Chính sách này được triển khai từ 1/4 đến 15/8/2022, với hồ sơ thủ tục khá đơn giản.

Ngày 18/4, LĐLĐ TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện Quyết định này đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; không để lợi dụng trục lợi chính sách hoặc để sót đối tượng thụ hưởng.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng yêu cầu các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn các khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, tổng hợp danh sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ NLĐ theo quy định.

Để NLĐ và người sử dụng lao động biết và triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, LĐLĐ TP cũng yêu cầu tuyên truyền, niêm yết công khai tại nơi làm việc, mạng thông tin nội bộ; qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Facebook, Zalo…); qua hệ thống truyền thanh, phát hành tờ gấp. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về nội dung các chính sách hỗ trợ; đối tượng được hỗ trợ; mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả; trình tự, thủ tục thực hiện.

Khi biết thông tin về chính sách trên, nhiều NLĐ cho rằng, chính sách này rất có ý nghĩa, đáp ứng mong mỏi của đa số NLĐ hiện nay. “Chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ sẽ giúp phần nào NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn, yên tâm làm việc” - anh Phạm Văn Hòa (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) chia sẻ.

Bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Năm 2022, một trong những hoạt động nổi bật của Công đoàn Thủ đô trong Tháng Công nhân là Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với CNLĐ Thủ đô. Theo kế hoạch, hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 12/5/2022, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao nhà ở công nhân Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, với sự tham gia của 250 đại biểu.

Đây là dịp để lãnh đạo TP nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ CNLĐ trong các DN. Đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của tổ chức Công đoàn, CNLĐ với lãnh đạo TP về việc làm, đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.

Cùng với đó, thời gian qua, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức để hướng về NLĐ như các cuộc giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp chế độ chính sách mới đối với NLĐ, đặc biệt là các chính sách liên quan đến NLĐ bị mắc Covid-19... Theo đoàn viên, NLĐ tại các huyện Thanh Oai, Phúc Thọ, quận Hoàng Mai..., việc tham gia các tọa đàm đã giúp họ hiểu sâu hơn về những chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và TP Hà Nội liên quan đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Trong thời gian sắp tới, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường đề nghị các đơn vị chuẩn bị tốt các hoạt động trọng tâm chăm lo cho công nhân như: Tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức tư vấn pháp luật cho CNLĐ.

Cùng với đó, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, vận động các DN quan tâm đầu tư các công trình phúc lợi cho CNLĐ; hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng bữa ăn ca; đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đảm bảo đời sống, việc việc, thu nhập cho NLĐ...

 

Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hokuyo Precision Việt Nam – Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội: Mong muốn có thêm nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn

Thời gian qua, nhiều DN tại TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ. Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên ở công ty tôi đều cảm thấy may mắn khi được làm việc tại đây.

Thời điểm đơn hàng không thể trì hoãn, Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí đầy đủ đồ dùng thiết yếu, thuê thêm nhà nghỉ cho công nhân viên ở lại công ty. Nhờ đó, công nhân viên công ty có được khoản thu nhập gấp rưỡi, gấp đôi so với các tháng khác. Công ty còn hỗ trợ thêm 80.000 đồng/người/ngày đối với công nhân “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, Công đoàn công ty còn phát thêm quà hỗ trợ mùa dịch cho mỗi đoàn viên: 10kg gạo, 2 lít dầu ăn, 1 thùng mì tôm; hỗ trợ cho thêm mỗi đoàn viên 500.000 đồng. Kết thúc một năm Covid-19 2021 đầy biến động, toàn thể công nhân viên công ty tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi vì năm mức thưởng Tết từ 3 – 4 tháng lương, cao gần gấp đôi so với các năm trước.

 

 

Chị Chử Thị Bích Ngọc – nhân viên Công ty TNHH TOA Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội: Công ty là gia đình thứ hai

Có những thời điểm công ty gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 như chi phí mua linh kiện, thiết bị tăng, nhiều công nhân viên phải tạm nghỉ do F0, F1, song ban lãnh đạo và Công đoàn công ty vẫn luôn quan tâm, chăm lo cho chúng tôi. Với những trường hợp nhân viên buộc phải nghỉ, công ty vẫn chi trả 70% lương dù họ không tham gia sản xuất.

Thời điểm dịch Covid-19 đỉnh điểm, công ty đã tạo điều kiện trang bị đầy đủ mọi sinh hoạt cho cán bộ nhân viên thực hiện 3 tại chỗ. Công ty đã đặc biệt quan tâm, chuẩn bị những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng và những buổi sinh hoạt chung mang lại niềm vui cho mọi người như đang trong một gia đình thứ hai.

Về phía cán bộ công nhân viên, chúng tôi thấu hiểu được sự khó khăn và sự quan tâm của công ty nên cũng đã cố gắng hết sức tập trung vào sản xuất để không bị ảnh hưởng đến tiến độ do thiếu người; tình nguyện ở lại công ty hơn một tháng mới trở về gia đình.

Hiện tại cuộc sống đang trở lại bình thường nhưng lãnh đạo công ty vẫn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì việc test cho cán bộ công nhân viên thường xuyên; kêu gọi toàn nhân viên thực hiện tốt 5K. (Hồng Thái ghi)