Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm triển khai trường nghề chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã thừa nhận chậm triển khai các trường nghề chất lượng cao và chậm triển khai hướng dẫn đặt hàng dạy nghề theo Nghị quyết 630 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền thông tin: Tháng 4/2012, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nghề giai đoạn 2012-2020 trong đó có giao cho Bộ LĐTB&XH tham mưu cho Chính phủ về danh mục các trường nghề chất lượng cao và tới tháng 5/2014, Bộ đã trình và chính phủ đã phê duyệt 45 trường nghề chất lượng cao. Tới tháng 6/2014, Bộ đã mời các Bộ, ngành và các trường nghề được phê duyệt đến họp kế hoạch triển khai, xây dựng lộ trình triển khai các trường nghề chất lượng cao. Trong đó, Bộ có bám vào nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng vùng như vùng đồng bằng Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Kết quả là trong 45 trường chất lượng cao có 10 trường thuộc vùng này, trong đó TP Hồ Chí Minh có 4 trường, Đồng Nai có 3 trường, Vũng Tàu có 2 trường, Bình Dương có 1 trường.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Về lộ trình thực hiện trường chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đã có kế hoạch triển khai quyết định về việc tạo điều kiện trường chất lượng cao sớm đi vào hoạt động có hiệu quả. "Chúng tôi đã trình đề án và có đề xuất đầu tư về cơ sở vật chất, nhất là thiết bị cho những trường này. Ngoài ra, Chính phủ đã cho phép nhập 20 bộ giáo trình của các nước tiên tiến phù hợp với các trường chất lượng cao và đào tạo giáo viên ở các trường chất lượng cao. Đối với công tác dạy nghề cho phù hợp với yêu cầu mới, Bộ đã phối hợp với Australia tổ chức đào tạo bằng của Australia cho trên 1.000 học sinh", Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm nói.

Đối với trường chất lượng cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn thừa nhận: “So với quy định đúng là chậm, nếu triển khai được từ năm 2012 thì tốt hơn nhưng đến năm 2014, kế hoạch này mới triển khai. Đó là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương phải cùng phối hợp để xác định các trường chất lượng cao".

Vấn đề chậm hướng dẫn quy trình dạy nghề, Bộ đã xây dựng hướng dẫn quy trình đặt hàng dạy nghề và xin ý kiến các ban ngành. Đến nay các ngành, các cơ quan đã cho ý kiến và khả năng trong tháng 12 tới, Chính phủ có thể phê duyệt hướng dẫn thực hiện về quy định đặt hàng dạy nghề. "Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi hướng dẫn này, chúng tôi đã chỉ đạo mô hình về đặt hàng dạy nghề đồng thời cho phép Tổng Cục dạy nghề ký với 39 trường thực hiện đào tạo dạy nghề theo địa chỉ với 12.000 học sinh và đến nay đã đào tạo được 7.000 học sinh. Tới đây, Bộ sẽ đánh giá tổng kết thí điểm mô hình đào tạo dạy nghề  để trên cơ sở đó nhân ra diện rộng. Như vậy, đại biểu nêu về vấn đề chậm, Bộ nhận thấy có trách nhiệm của mình. Nếu làm sớm thì tốt nhưng đến thời điểm này, Bộ thấy đã có cố gắng",
 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận.