Chưa phát huy được tiềm năng
An Mỹ là một trong những xã tích cực của huyện Mỹ Đức trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Riêng vụ xuân 2013, diện tích lúa áp dụng kỹ thuật gieo sạ thẳng hàng bằng giàn kéo tay của xã đạt 290ha, đạt trên 90% diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tài - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã An Mỹ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn chủ yếu là cây lúa, chất lượng gạo chưa cao và đầu ra còn nhiều khó khăn...
Tương tự, Hồng Sơn cũng là một xã thuần nông của huyện Mỹ Đức với tỷ trọng nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới 59% cơ cấu kinh tế. Tính đến cuối năm 2012, Hồng Sơn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa với diện tích trên 300ha, mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 thửa ruộng. Mặc dù vậy, sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất của xã vẫn còn khá chậm, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp nên thu nhập của người dân hiện chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 5,4%.
Kiểm tra chât lượng lúa trên cánh đồng xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thiện Quang
Ông Nguyễn Phúc Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương, đê bao phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở nhiều xã còn chậm nên chưa phát huy được tiềm năng của địa phương. Hiện thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Mỹ Đức mới đạt 15,5 triệu đồng/người/năm, ở mức thấp so với bình quân toàn TP.
Xây dựng các đầu mối tiêu thụ
Với diện tích đất canh tác lớn, hơn 22.000ha/năm, huyện Mỹ Đức đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,5%/năm, giá trị canh tác đạt 100 – 120 triệu đồng/ha/năm. Để đạt mục tiêu này, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới có vai trò rất quan trọng. Cùng với đó, theo ông Lê Thành Chung - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức cần làm tốt công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…
Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn trong thời gian tới chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp liên kết với doanh nghiệp. Qua đó, xúc tiến đầu tư giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhất là các sản phẩm có giá trị cao, số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, xây dựng các khu vực đầu mối tiêu thụ sản phẩm gạo, rau, hoa quả, thịt, thủy sản… tại thị trấn Đại Nghĩa và các xã Hương Sơn, Hợp Thanh, Phùng Xá, Đồng Tâm, Phúc Lâm và An Mỹ.
Cùng với đó, huyện Mỹ Đức cũng khuyến khích các xã dành phần thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao khoán quỹ đất 2 cho xã, thị trấn quản lý để đầu tư trở lại phát triển nông nghiệp. Huyện ủy Mỹ Đức cũng kiến nghị TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu tiên cho những địa phương còn diện tích đất nông nghiệp lớn. Đồng thời hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mua máy móc, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp…