Lại lỗi “buông lỏng quản lý”
Theo báo cáo thanh tra việc quản lý sử dụng đất các nông - lâm trường trên phạm vi cả nước vừa được Bộ TN&MT công bố, sau khi thanh tra 37/50 tỉnh, TP trên cả nước, với 73/99 nông - lâm trường, Bộ đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể, có 23/73 nông - lâm trường tự ý chuyển đổi 1.068ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong số 23 nông - lâm trường vi phạm này, có 4 đơn vị được UBND tỉnh cho phép, 19 đơn vị còn lại tự ý chuyển đổi trái phép. Nhiều nông - lâm trường cũng bị phát hiện đem thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng hoặc tự ý góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trái pháp luật. 6 đơn vị đã đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích 51.768ha.
Một khu đất nông - lâm trường tại huyện Sóc Sơn.Ảnh: Linh Anh
Đoàn thanh tra cũng phát hiện 20/73 nông - lâm trường cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích 16.848ha. 41 nông - lâm trường đang có tranh chấp với các hộ dân, các tổ chức, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm lên tới 8.446 ha.
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, có 57 nông - lâm trường, trang trại, với hơn 11.700ha đất, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn... Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội, trong một thời gian dài, công tác quản lý, sử dụng đất tại các đơn vị này bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, giao đất trái thẩm quyền, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất sai mục đích diễn ra phổ biến và chưa được khắc phục, xử lý. Trước những sai phạm nêu trên, UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh quản lý, sử dụng đất tại các nông - lâm trường, trạm trại trên địa bàn. TP yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vi phạm tại các nông - lâm trường. Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết và cấp sổ đỏ, đưa đất vào quản lý, sử dụng có hiệu quả. Các nhiệm vụ này phải hoàn thành chậm nhất trước 31/12/2013.
Cần thống nhất một cơ chế cho thuê đất
Để quản lý đất nông - lâm trường hiệu quả, theo Bộ TN&MT, phải thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất, bởi các đơn vị này sử dụng diện tích quy mô lớn, giá đất cho thuê sẽ xác định phù hợp với từng vùng và đặc thù sử dụng đất. Đối với đất quy hoạch sử dụng cho mục đích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vùng bảo vệ sinh thái, phải thống nhất chuyển giao cho ban quản lý rừng và chỉ thực hiện cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với các nông - lâm trường vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, phải có chính sách quản lý đặc thù riêng để đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo các chuyên gia, các công ty nông - lâm trường nên trả lại một phần đất cho dân, để họ có điều kiện phát triển sinh kế, cũng như không gây lãng phí tài nguyên đất. Cần có một cuộc "cách mạng" về đất rừng, tương tự như đất nông nghiệp thay vì giao cho hợp tác xã, có thể giao cho người dân, hộ gia đình quản lý. Nhà nước nên giao trực tiếp đất sản xuất cho người dân, chứ không phải là hình thức "khoán" mà các nông - lâm trường quốc doanh vẫn thường thực hiện. Phần diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm nên trả lại cho chính quyền địa phương, để làm cơ sở giao cho các hộ dân đảm bảo đủ diện tích đất canh tác.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, một trong những giải pháp góp phần quản lý đất tại các nông - lâm trường chính là thu hồi một phần diện tích để giao lại cho cộng đồng, nhóm hộ trong từng trường hợp cụ thể. Tuy vây, quá trình giao đất cũng cần kết hợp mô hình hợp tác xã để bảo vệ nguồn đất không bị thất thoát.
Các nông - lâm trường đang được giao nguồn lực đất đai rất lớn, trong khi nhân lực, tài chính hạn chế. Con số tranh chấp, lấn chiếm tại các nông - lâm trường trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với báo cáo. Trong khi đó, quá trình thu hồi đất của các nông - lâm trường trả lại cho địa phương rất chậm. Việc thu hồi đất chủ yếu được "khoán" cho các nông - lâm trường dẫn đến các đơn vị này chỉ trả đất xấu, ở những nơi khó canh tác, xa đường sá. Trước đây, còn được Nhà nước bao cấp, nay phải tự chủ nên gặp khó khăn về tài chính. Khi chuyển đổi sang công ty nông - lâm nghiệp, các đơn vị này phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, phải trả tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 50% các nông - lâm trường chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Ông Phạm Quang Tú Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển
|