Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn chỉnh hiệu quả quản lý, chất lượng hè đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/11, trong chương trình họp thường kỳ của Thường trực Thành ủy, công tác quản lý chất lượng hè đường đã được cho ý kiến nhằm chấn chỉnh lại công tác này theo hướng tăng hiệu quả về quản lý và đầu tư. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, công tác quản lý đầu tư, khai thác hè phố thời gian qua còn có những bất cập nhất định. Trong đó nổi lên là việc các cơ quan quản lý chưa kịp thời xử lý như: Tình trạng lấn chiếm, chậm sửa chữa các đoạn hè phố hư hỏng; chưa có sự phối hợp tốt giữa các ngành và chính quyền sở tại trong quản lý; chất lượng hè phố sau đầu tư, nâng cấp, duy tu chưa đáp ứng yêu cầu.

 
Cùng với việc đảm bảo chất lượng đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường, quản lý vỉa hè phố. Trong ảnh: Công an phường Thành Công kiểm tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đúng quy định. Ảnh Thanh Hải
Cùng với việc đảm bảo chất lượng đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường, quản lý vỉa hè phố. Trong ảnh: Công an phường Thành Công kiểm tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đúng quy định. Ảnh Thanh Hải
 
Chủ tịch quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý vỉa hè
 
UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 8094/UBND-QHGTXD yêu cầu các sở, ngành và 29 quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý vỉa hè trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu Sở GTVT rà soát lại việc phân cấp về quản lý, đầu tư, duy trì, khai thác hè phố, đề xuất điều chỉnh danh mục các tuyến do Sở quản lý đồng bộ cả hè và đường, theo hướng tập trung, đồng bộ, báo cáo UBND TP trước ngày 15/11; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thiết kế mẫu hè phố để áp dụng cho việc đầu tư, sửa chữa bảo đảm đồng bộ, mỹ quan đô thị. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong việc quản lý hè đường theo phân cấp quản lý. Nghiên cứu giao Ban QLDA quận, huyện làm đầu mối ký hợp đồng duy tu, duy trì thường xuyên hè đường với đơn vị chuyên ngành; phối hợp với Sở GTVT, Công an TP thực hiện tốt công tác quản lý lòng đường, hè đường, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện sau cấp phép đào hè và sử dụng hè đường.
 Bên cạnh thực trạng đó, các ý kiến cũng nêu lên một số hạn chế về việc phân cấp quản lý, tình trạng đào xới xong chậm trả lại nguyên trạng vỉa hè, vấn đề chất lượng hè phố không được lâu bền; phần bảo hành khi bàn giao hè phố sau xây dựng, sửa chữa chưa quyết liệt, chặt chẽ... Một trong những nội dung được các đồng chí trong Thường trực nhấn mạnh đó là sự đồng bộ về kỹ thuật, giải pháp thi công và tính thẩm mỹ trên từng tuyến phố. Việc đánh giá 800 tuyến phố cần cụ thể, nhằm xác định tuyến nào đạt chất lượng để chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những đơn vị có kết quả tốt trong quản lý hè phố, từ đó triển khai có bài bản trên địa bàn, khắc phục tính cục bộ, thiếu thực tiễn trong quản lý khai thác chỉnh trang hè phố.

 

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, thời gian qua hè phố Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng yêu cầu chuyển biến toàn diện hơn về chất lượng công trình và hiệu quả quản lý không thể không đặt ra. Các cấp, các ngành chức năng phải nhìn nhận đúng thực trạng cả về mặt tích cực và tiêu cực về công tác quản lý, chất lượng hè đường để rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.

 

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường giám sát chất lượng thi công các công trình hè phố; đồng thời cần phải có quy định rõ ràng hơn về việc gắn trách nhiệm của nhà thầu, đơn vị thi công sau khi bàn giao công trình. Cùng với đó, đảm bảo tính quy chuẩn và đồng bộ về vật liệu xây dựng, mẫu mã, tính hợp lý về các phương án sửa chữa để công trình chất lượng, lâu bền hơn. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng công tác quản lý, bảo vệ chất lượng công trình hè phố cần sự vào cuộc của chính quyền cùng ý thức chung của cả cộng đồng.