Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng: “Chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm”

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Năm 2018, công tác báo chí đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, thể hiện sự đổi mới rõ nét về chỉ đạo, định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin; về quản lý nhà nước; về thông tin, tuyên truyền; về công tác Hội; về nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo; về hợp tác, giao lưu quốc tế…

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, kết quả trong năm 2018 thể hiện nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, cũng như quyết tâm đổi mới toàn diện công tác báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả của những người làm công tác báo chí trong thực hiện nhiệm vụ.
Nhìn lại 2018, về chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin và thông tin trên báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư đã quán triệt và quyết tâm hơn việc thực hiện phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả trong việc định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin cũng như trong thông tin báo chí.
Các sự kiện, vấn đề, tình huống nhạy cảm, phức tạp, hầu hết đều được dự báo, phát hiện sớm và được phân tích, xử lý, định hướng, thông tin kịp thời. Việc tổ chức giao ban, việc cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan báo chí tổ chức tốt hơn ở T.Ư và nhiều địa phương. Nhiều cơ quan báo chí triển khai hoạt động thông tin một cách sáng tạo, sinh động, hấp dẫn. Kỷ luật thông tin được giữ vững.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đặc biệt, chỉ đạo thông tin được triển khai bài bản, chủ động, trong đó có việc tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, thông tin các hội nghị Trung ương lần thứ 7, 8 khóa XII của Đảng để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, yêu cầu định hướng dư luận, là biểu hiện sinh động, cụ thể quan điểm, quyết tâm, tính nhất quán trong đổi mới thông tin của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự kiên định đổi mới trong công tác chỉ đạo, định hướng của cơ quan chỉ đạo, cùng sự nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức nội dung thông tin của các cơ quan báo chí đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin sai, mang tính đồn đoán, xuyên tạc.
Trong năm qua, chúng ta cũng đã xử lý và chủ động thông tin, thông tin kịp thời, chuẩn xác nhiều sự kiện quan trọng dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Trong bối cảnh mạng xã hội đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, kết quả tích cực đó là bài học, cần được phát huy, thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề này, một vấn đề đặt ra là: Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin. Một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội. Đúng là thách thức từ mạng xã hội là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.
Nếu chúng ta thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén; các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn; các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả hơn việc tạo điều kiện về thông tin cũng như cổ vũ, động viên, hỗ trợ, bảo vệ các nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ qui trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp,… chắc chắn, chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin; phê phán, phản bác một cách sắc bén hơn các thông tin sai, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta; đập tan những mưu toan thâm độc, cũng như làm tan rã những đồn đoán, suy diễn. Làm được điều đó, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của công chúng đối với báo chí. Làm được điều đó, báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc thực hiện nghiêm túc quan điểm, phương châm, phương thức chỉ đạo, định hướng, quản lý; ở cách thức phát hiện sự kiện và triển khai thông tin; ở nhận thức và bản lĩnh chính trị, ở nền tảng và bản lĩnh văn hóa; ở sự nhạy bén và năng lực nghiệp vụ của những cán bộ làm công tác báo chí, nhất là với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, xã hội đặc biệt quan tâm.
ể góp phần làm tốt vấn đề này, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cơ quan chỉ đạo, định hướng cần khẩn trương tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung của Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phù hợp với yêu cầu mới.
Toàn cảnh Hội nghị.
Về quản lý, năm qua, cơ quan quản lý đã có nỗ lực, cố gắng, triển khai nhiệm vụ, đạt được các kết quả quan trọng, như: tham mưu Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030; đang xây dựng Danh mục đơn vị tự chủ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và chuẩn bị nội dung sơ kết 2 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chặt chẽ việc cấp phép hoạt động báo chí và công tác bổ nhiệm; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí cho cán bộ lãnh đạo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiếp tục tăng cường rà soát, phát hiện, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, trong đó có việc công bố đường dây “nóng” tiếp nhận thông tin phản ảnh các biểu hiện bất thường trong tác nghiệp của phóng viên; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương ứng dụng ở mức độ cao hơn giải pháp kỹ thuật kiểm soát việc gỡ tin, bài, đưa lại kết quả rõ nét... Công tác quản lý báo chí ở các địa phương có nhiều tiến bộ. Có địa phương, như Quảng Ninh, thể hiện tinh thần, tư duy đột phá, chủ động đề xuất mô hình Trung tâm truyền thông tỉnh trên cơ sở sắp xếp lại các cơ quan báo chí đang hoạt động của địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giảm đầu mối, được Ban Bí thư ủng hộ, đang triển khai một cách tích cực để thực hiện ngay từ đầu năm 2019. Trong khi không ít cơ quan chủ quản trì hoãn, vin vào lý do không chính đáng, thậm chí, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, việc làm trên của Quảng Ninh thực sự đáng biểu dương…
Năm 2019, công tác quản lý cần tiếp tục thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, đẩy nhanh việc ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí; đánh giá những trở ngại, nguyên nhân khiến việc triển khai Quy hoạch chậm trễ, trên cơ sở đó, gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện. Trong vấn đề này, cùng với quyết tâm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cấp ủy đảng, các tổ chức đảng của cơ quan báo chí cần thể hiện vai trò là nhân tố quyết định. Cơ quan quản lý cũng cần theo dõi, hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh thực hiện mô hình Trung tâm truyền thông gắn với phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể những vấn đề liên quan, nêu bài học kinh nghiệm để nhân rộng nếu mô hình mới thực sự phát huy tác dụng tích cực.
Thứ hai, cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để, trong khi chưa sửa đổi Luật Báo chí, có những văn bản chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử - một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa trong báo chí; cổ vũ, khuyến khích, biểu dương mặt tích cực, chỉ ra những hạn chế, bất cập cùng các giải pháp khắc phục trong thực hiện chủ trương này.
Năm 2019, cơ quan quản lý T.Ư cũng như các địa phương cần thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn việc biểu dương, khen thưởng các đơn vị báo chí và nhà báo có thành tích xuất sắc; phê phán mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó, công khai danh sách cơ quan báo chí nhiều sai phạm, bị xử lý, cùng chủ quản các cơ quan báo chí đó - như Hội nghị báo chí toàn quốc thực hiện lần này - phải trở thành một tiền lệ tích cực nhằm phê phán, cảnh báo biểu hiện tiêu cực, khuyết điểm trên. Đồng thời, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, có hệ thống phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí.
Thứ ba, Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm. Trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Đánh giá hai năm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 là cần thiết. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi; phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới; đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian dài.
Thứ tư, tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017, chúng ta đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp với các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan. Sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn hơn. Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp “hỗ trợ, hợp tác truyền thông” (?!).
Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ta thán, xã hội khinh miệt bằng những từ “phóng viên đếm tầng”, “IS”…, ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo. Tư duy, cách làm đó không những không thể giải quyết căn cơ vấn đề kinh tế báo chí, mà còn trái tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tiêu cực tới nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng; là nguyên nhân cơ bản tiếp diễn tình trạng giật gân, đưa ra các sản phẩm báo chí dưới tầm văn hóa trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện cơ chế tự chủ thì “Không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt”. Nhưng, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị. Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất.
Do vậy, không thể chậm trễ hơn nữa, trong năm này, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam: Những kết quả quan trọng, toàn diện của công tác Hội năm 2018 rất đáng hoan nghênh. Hội nhà báo Việt Nam, các cấp hội đã có nhiều cố gắng ở cả hai mảng: Chuyên môn, nghiệp vụ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên và người làm báo.
Về nghiệp vụ: Hội đã làm tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia; Hội báo toàn quốc được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, có ý nghĩa như cuộc biểu dương lực lượng và tôn vinh những người làm báo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa đầu xuân. Tiếng nói của Hội Nhà báo trong năm qua kịp thời hơn, nhất là đối với những vấn đề liên quan quyền tác nghiệp đúng luật pháp của hội viên, nhà báo. Là tổ chức chủ động áp dụng kỹ thuật rà soát việc gỡ bài, từ kết quả tích cực ban đầu, năm qua, công việc này tiếp tục được duy trì với sự phân tích số liệu, thông tin cụ thể hơn, trở thành một trong những giải pháp quan trọng khắc phục căn bản tình trạng gỡ, sửa bài tùy tiện.
Về giáo dục đạo đức nghề nghiệp, cùng với quán triệt, động viên hội viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc Luật báo chí, các quy định của pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trăn trở trước một số biểu hiện có biểu hiện phức tạp trong hoạt động báo chí, Hội nhà báo Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành Quyết định về việc sinh hoạt hội của hội viên là phóng viên thường trú tại tổ chức Hội địa phương; đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 (cụ thể hóa Điều 5 của 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam).
Việc làm đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Hội nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của những người làm báo nước ta - trong điều kiện mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet phát triển, tác động sâu rộng đến xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí. Những quy định giàu tính thực tiễn nêu trên sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm phóng viên thường trú, quản lý tốt hơn các cơ quan đại diện và cộng tác viên báo chí.
Với bối cảnh, tình hình dự báo có nhiều phức tạp trong đời sống báo chí trong năm 2019, Hội nhà báo Việt Nam cần phát tiếp tục triển khai tốt hơn nữa các công việc quan trọng trên. Đồng thời, Hội cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần