Chặn đà lao dốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc: Chấp nhận trả giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lẽ chưa bao giờ các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lại phải chịu cú sốc lớn như vừa qua khi hơn 2.360 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường trong vòng chưa đầy một tháng.

Cuộc tháo chạy lịch sử

Kể từ ngày 12/6 đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm 27%, thị trường chứng khoán Thâm Quyến mất tới 38% giá trị và làm “bốc hơi” hơn 2.360 tỷ USD. Số tiền này gấp đôi tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Ấn Độ, gấp 10 lần GDP của Hy Lạp và gần bằng tổng giá trị dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Đà lao dốc tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ qua đã buộc 1.544/2.808 DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến quyết định ngừng giao dịch, chiếm 54,7% tổng số cổ phiếu niêm yết.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua cơn sóng gió.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua cơn sóng gió.
Nguyên nhân của cuộc tháo chạy lịch sử khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu ngay sau khi Chính phủ  nước này siết chặt quy định về tỷ lệ cho vay mua cổ phiếu, cầm cố cổ phiếu nhằm ngăn ngừa nguy cơ vỡ bong bóng chứng khoán. Quyết định này khiến hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ - chiếm tới 85% số tài khoản giao dịch chứng khoán của Trung Quốc kích hoạt một cuộc bán tháo kéo dài từ hôm 12/6 vì lo sợ đã đến thời tàn của “lướt sóng” chứng khoán.

Sự tháo chạy ở thị trường đại lục đã tác động tiêu cực tới các thị trường mà các DN Trung Quốc niêm yết. Ít nhất 121 mã cổ phiếu của DN Trung Quốc tại thị trường chứng khoán New York (Hoa Kỳ) và 186 doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Hongkong phải ngừng giao dịch. Dù tổng vốn thị trường của các DN này không lớn nhưng nó tác động rất xấu tới hình ảnh và niềm tin an toàn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Dốc toàn lực đối phó 

Tình thế này đã buộc chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu tìm giải pháp ngăn chặn đà bán tháo, nâng đỡ giá cổ phiếu. Kể từ hôm 27/6, hàng loạt biện pháp đã được ban hành như ngừng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu của một số DN; rót tiền cho Công ty Tài chính Chứng khoán để công ty này mua cổ phiếu; buộc các DN Nhà nước lớn không được bán ra cổ phiếu mà phải mua vào làm cổ phiếu quỹ… Sau hơn 10 ngày, những nỗ lực này mới đem lại kết quả khá khiêm tốn khi chốt phiên 8/7, chỉ số Shanghai Composite Index đã tăng 2,41%. Đây là sự gia tăng đáng kể đầu tiên của thị trường chứng khoán Thượng Hải trong hơn 3 tuần qua và được các chuyên gia nhận định là một khởi đầu tốt trong nỗ lực ngăn ngừa sự sụp đổ của thị trường. Nếu sự gia tăng này tiếp tục duy trì đến hết tuần, niềm tin thị trường sẽ ổn định trở lại và sự quay lại của các nhà đầu tư chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc vẫn có nhiều lựa chọn để ổn định thị trường nhưng hàng loạt biện pháp mạnh tay được chính quyền ban hành từ cuối tuần qua cho thấy “tử huyệt” của thị trường tài chính nước này. Do quy mô và tốc độ tăng trưởng quá nhanh, chứng khoán Trung Quốc trở thành mảnh đất vàng để các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu là người về hưu, các bà nội trợ dốc sạch tiền tiết kiệm hoặc vay mượn để “lướt sóng”. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vốn khốc liệt đã nhanh chóng từ chỗ là thiên đường trở thành chiến địa của các nhà đầu tư không có kiến thức. Cuộc tháo chạy lịch sử này vì thế vừa là một biến cố vừa là một cơ may để các nhà điều hành Trung Quốc kịp thời điều chỉnh chính sách, đưa thị trường chứng khoán trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn. Chỉ có điều, trong quá trình điều chỉnh đó, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận hy sinh và các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu tài năng và bản lĩnh sẽ là những nạn nhân đầu tiên phải trả giá.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần