Chặn nguồn hoa quả bẩn

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian tới, các địa điểm bán trái cây phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè, bán rong trên đường… Việc làm này có tác dụng ngăn chặn hiện tượng kinh doanh hoa quả không rõ nguồn gốc, không bảo đảm VSATTP.

Thực hiện Chỉ thị số 10 - CT/TU ngày 27/20/2016 của Thành ủy về vấn đề VSATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội và Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 20/3/2012 của UBND TP về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn 2030, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”. Đề án nêu rõ, trong thời gian tới, các địa điểm bán trái cây phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè, bán rong trên đường… Việc làm này có tác dụng ngăn chặn hiện tượng kinh doanh hoa quả không rõ nguồn gốc, không bảo đảm VSATTP. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Trước tình trạng vi phạm VSATTP trong kinh doanh mặt hàng hoa quả, Sở Công Thương đã xây dựng Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội". Vậy mục tiêu đặt ra của Đề án là gì, thưa bà?

- Hiện nhu cầu sử dụng trái cây của người dân Hà Nội lên đến 52.000 tấn/tháng, trong khi đó, lượng trái cây sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu, tương đương 9.360 tấn. Lượng trái cây nhập khẩu đáp ứng 15% nhu cầu, tương đương 7.800 tấn. Lượng trái cây nhập từ các tỉnh, thành về Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn 67% nhu cầu, tương đương 34.840 tấn.

Điều đáng nói ở đây là tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, bảo quản khiến nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng ngày càng phổ biến. Mặt khác, thói quen dễ dãi, tùy tiện trong mua sắm của người tiêu dùng khiến tình trạng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, và an toàn giao thông mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát chất lượng VSATTP đối với trái cây.

Chính vì thế việc đưa ra các giải pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm nói chung và hoạt động kinh doanh trái cây nói riêng trở nên hết sức cấp bách vì những hệ lụy của nó liên quan tới sức khỏe, giống nòi, niềm tin tiêu dùng và sự ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời đây cũng là giải pháp giúp tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội nhằm đảm bảo văn minh, trật tự đô thị, ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.

Vậy lộ trình của Đề án sẽ được triển khai như thế nào?

- Đề án đặt mục tiêu trong năm 2017, 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh theo quy định. Có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định.

Trong năm 2018, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo hầu hết các trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... Xóa hoàn toàn các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện ATTP và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng). Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong kinh doanh cũng như vi phạm về ATTP, nhất là sử dụng các chất độc hại, chất cấm... để sản xuất, bảo quản trái cây. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, nhận thức pháp luật trong kinh doanh trái cây của các thương nhân cũng như đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ.

Theo bà, những người muốn kinh doanh trái cây phải đáp ứng những tiêu chí?

- Chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây phải đảm bảo sức khỏe, có kiến thức về ATTP đối với mặt hàng này. Cụ thể phải nắm được các nguy cơ mất VSATTP; Những hành vi bị cấm, các tác nhân gây mất VSATTP trong kinh doanh trái cây, đảm bảo các điều kiện vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với trái cây… Người trực tiếp kinh doanh trái cây cần nhận diện được trái cây nào không còn giá trị để bán (dập nát, thối, mùi vị lạ, mốc vỏ,…); phân biệt được tên/chủng loại trái cây mua; nắm được điều kiện bảo quản tối ưu đối với từng loại trái cây để bố trí sắp xếp khu vực tủ bày bán, quầy kệ…

Ngoài ra, những người kinh doanh trái cây phải đáp ứng các điều kiện về nơi kinh doanh như cửa hàng phải bố trí tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, khu tập trung xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng đến VSATTP từ các khu ô nhiễm, bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác. Nơi bày bán không được gần các nguồn lây nhiễm chéo, cụ thể bày bán các loại hóa chất, thực phẩm là sản phẩm thủy sản, gia cầm… tươi sống. Tách biệt khu vệ sinh với khu vực bảo quản, khu vực kinh doanh trái cây; cửa nhà vệ sinh không mở thông vào khu vực bảo quản, kinh doanh trái cây… Có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản trái cây đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất; Dụng cụ gom rác thải, chất thải có nắp đậy vào lưu trữ ở khu vực riêng biệt.

Vấn đề đảm bảo VSATTP luôn được mọi người quan tâm, vậy đối với mặt hàng trái cây, Sở Công Thương Hà Nội có quy định gì về tiêu chuẩn khi kinh doanh?

- Nhằm đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng, Sở Công Thương cũng đưa ra một số tiêu chí cơ bản về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại trái cây. Cụ thể trái cây phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng; bề mặt không thâm, thối, không ủng, không mốc... đảm bảo mùi vị đặc trưng, không có mùi vị lạ. Đồng thời phải đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố... theo quy định của pháp luật hiện hành. Trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói phải đảm bảo rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói, đặc biệt là các tiêu chuẩn về VSATTP.

Đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; thời gian, địa điểm giao nhận; lô hàng (tên/chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện); hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh việc mua trái cây. Nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có Giấy chứng nhận còn hiệu lực. Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ Giấy chứng nhận kiểm tra VSATTP theo quy định.

Hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây…

Xin cảm ơn bà!

Qua khảo sát tại 12 quận của Hà Nội có 175 tổ chức và 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư. Hình thức kinh doanh bán buôn có 10 cửa hàng, chiếm 2,1%; bán lẻ 464 cửa hàng, quầy hàng chiếm 97,9%. 30% các cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, 50% cửa hàng có giá, kệ bày trái cây; còn lại cơ bản các cửa hàng dùng sạp bày bán trái cây. Người bán trái cây cơ bản chưa có đầy đủ kiến thức thực hành đảm bảo ATTP trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây…Đó là chưa kể số lượng lớn người bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường, trên xe máy, xe đạp hoặc tại các khu đất công dưới dạng các gian hàng lợp tạm, dựng ô tạm… Do không có tủ để bảo quản nên các loại trái cây thường được sử dụng các hóa chất cấm để tạo độ tươi lâu, ít bị thối... ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội  Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần