Chặn sốt đất bằng chính sách thuế: Cấp thiết nhưng không được nóng vội!

Nguyên Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được đánh giá có hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản (BĐS) khá đầy đủ, nhưng ngân sách Nhà nước (NSNN) hụt thu nghiêm trọng từ đất đai là điều được dự báo trước.

Một phương pháp tính thuế sẽ đảm bảo minh bạch

Ngay trong tuần đầu tiên tháng 5/2021, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2021. Đáng chú ý, báo cáo này nhìn nhận hiện nay tình trạng "sốt đất" đã hạ nhiệt, sau khi chính quyền các địa phương kịp thời đưa ra chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai những dự án trên địa bàn.

Trước đó, thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước xảy ra hiện tượng giá đất tăng ''nóng''. Giá đất nền tại một số điểm có mức ghi nhận tăng cao ở vùng ven Thủ đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); một số nơi thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%)...

Nhiều cơ quan, đơn vị, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo cùng hàng loạt đề xuất nhằm "đặc trị" tình trạng ''sốt đất''. Trong đó đáng chú ý là văn bản của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế BĐS.
 Khách hàng tìm hiểu thông tin một dự án nhà đất tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Cụ thể, HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất như đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, sốt nóng "bong bóng" và đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. "Hiện nay cách thu của cơ quan thuế là ''khoán thuế'', cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế. Cách thu này dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm méo mó chính sách'' - văn bản kiến nghị của HoREA nêu rõ. Hiệp hội này còn dẫn ý kiến cho rằng, ngoài đóng góp vào ngân sách, chính sách thuế phải đạt được mục tiêu là điều tiết, định hướng tiêu dùng và chống đầu cơ nhưng với cách thu như hiện nay, thuế chuyển nhượng BĐS chưa đạt được mục tiêu này.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng BĐS nộp thuế theo mức thuế suất 25% trên thu nhập (giá chuyển nhượng trừ giá mua và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan thì nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, thực tế thực hiện đã gặp rất nhiều vướng mắc, như không có căn cứ để xác định giá mua và các chi phí liên quan của hoạt động chuyển nhượng BĐS; đặc biệt là đối với BĐS hình thành từ lâu không có hồ sơ, căn cứ chứng minh giá vốn; hay BĐS được cho, tặng, thừa kế; việc chuyển nhượng giữa các cá nhân bằng tiền mặt khó kiểm soát. Cá biệt, có trường hợp nộp thuế theo thuế suất 2% sau đó khai điều chỉnh lại theo thuế suất 25% để hoàn thuế hoặc cơ quan thuế yêu cầu cá nhân khai lại theo thuế suất 25% để truy thu thuế gây khiếu kiện.

Từ ngày 1/1/2015, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế quy định cá nhân chuyển nhượng BĐS nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng bất động sản. "Việc quy định một phương pháp tính thuế đảm bảo minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách thủ tục hành chính" - Bộ Tài chính nhấn mạnh trong văn bản giải đáp về kiến nghị của HoREA.

Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng

Theo Luật sư Trần Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với BĐS hiện hành được ban hành khá đầy đủ. Các chính sách thu này đã bao quát quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng BĐS. Theo tôi, thủ phạm chính của những cơn "sốt đất" tăng giá là do tung tin đồn thổi, làm giá, trục lợi bất chính, cùng với đó là tình trạng chưa minh bạch các dự án, quy hoạch đất đai ở địa phương, chứ không hẳn do chính sách thuế.

Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam cũng nhận định, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐS thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương, vì vậy, cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ BĐS.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, chỉ mấy năm nữa, NSNN sẽ hụt thu nghiêm trọng vì khoản thu từ đất đai giảm mạnh. Đơn cử, TS Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) nhiều lần chia sẻ rằng, ông cảm thấy tiếc khi Chính phủ đã 2 lần trình Quốc hội Luật Thuế tài sản, nhưng cuối cùng vẫn chưa được thông qua. Do vậy, vị chuyên gia kiến nghị cần phải sớm thông qua Luật Thuế tài sản để bảo đảm sự công bằng theo đúng nguyên tắc người giàu, sở hữu nhiều nhà đất có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp lớn hơn vào NSNN và để tránh lãng phí đất đai.q

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến BĐS. Sau đó sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030.