“Chặn” thuốc lá thế hệ mới trong trường học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân Ngày thế giới phòng chống thuốc lá (31/5), Bộ GD&ĐT đã chủ trì tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới cho học sinh trong trường học với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Tổ chức HealthBridge Canada và các Sở GD&ĐT.

Thuốc lá thế hệ mới phổ biến trong giới trẻ
Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin: Tình trạng thanh, thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống nhưng vẫn thử và bắt đầu sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10-12 là 12,16%. Đáng lưu ý có đến 5,2% em không hút thuốc lá truyền thống mà sử dụng thuốc lá thế hệ mới (nam 7,7%, nữ 2,3%).
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Nho Huy, hiện nay thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang trở nên rất phổ biến trong giới trẻ với thiết kế sản phẩm hấp dẫn, tiếp thị tràn lan trên các trang mạng xã hội; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo; giá thành lại rẻ nên rất dễ để tiếp cận, đặc biệt đối với học sinh đang ở lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá.
 Các đại biểu tham dự hội thảo cùng bàn giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới cho học sinh
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Hút thuốc lá trong trường là hình ảnh xấu, làm học sinh bắt chước, thử hút thuốc lá và dẫn đến nghiện thuốc lá.
Đổi mới tuyên truyền về tác hại thuốc lá thế hệ mới
Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc; chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên...
Tuy nhiên, việc phòng ngừa thuốc lá với học sinh còn gặp nhiều khó khăn bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa bỏ được hút thuốc lá hay tình trạng bán thuốc lá phổ biến xung quanh khu vực cổng trường học…
 Vẽ tranh cổ động phòng chống tác hại của thuốc lá- một hoạt động tuyên truyền tích cực trong trường học
Để tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới, Bộ GD&ĐT đề ra các giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thực hiện nghiêm túc quy định không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép các nội dung về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.
Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc lá trong các cơ sở giáo dục…
Thời gian tới, các ban, ngành và nhà trường cần quan tâm đổi mới cách thức tuyên truyền để học sinh, sinh viên nhận diện, nhận thức đầy đủ nguy cơ, tác hại của thuốc lá với sức khỏe và tương lai; tránh tuyên truyền một chiều, hình thức không đem lại hiệu quả thực chất.  
Các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng cơ sở pháp lý, thông tin, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá với học sinh, sinh viên. Khi rõ đầu mối, rõ trách nhiệm phối hợp cần kịp thời chỉ đạo đến địa phương, nâng cao trách nhiệm chính quyền, ngành giáo dục địa phương trong triển khai các giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới...