Lịch sử chỉ ra rằng V-League đã chứng kiến rất nhiều “đại gia” hoặc xuống hạng, hoặc ít ra cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo “làm sao để trụ hạng”. Một ví dụ rất điển hình là HP.HN. Chính trong mùa giải mà họ đầu tư hoành tráng nhất (2007), đội bóng này đã chỉ về đích ở vị trí thứ 12, vừa đủ thoát nhận vé đi hạng Nhất. Còn sang mùa 2008, vẫn mang tiếng là “ông lớn” trên thương trường nhưng HP.HN ngậm ngùi xuống hạng.
Thể Công 2009 cũng vậy. Xét về ngân sách hoạt động, năm 2009, Thể Công gần như “vô đối” ở V-League. Nhưng rút cục, phải tới vòng cuối họ mới an toàn trụ hạng. Còn trong mùa giải, nhiều thời điểm Thể Công có những trận thua mất mặt trước cả những đối thủ từng được xếp vào diện ƯCV xuống hạng.
Cũng phải nói thêm rằng V-League từng chứng kiến cả những nhà vô địch vẫn có thời gian bị sa lầy ở đáy BXH. Đó là trường hợp của GĐT.LA trong hai mùa giải mà họ lên ngôi (2005-2006). Có thời điểm, GĐT.LA bị đẩy xuống áp chót nhưng cú bứt phá mạnh mẽ nửa cuối mùa vẫn đủ giúp đội bóng này lội ngược dòng thành công.
Nhắc lại những tấm gương trong quá khứ để thấy rằng cuộc chiến trụ hạng không chừa bất kỳ ai. Hiển nhiên là những đội bóng có lực lượng mỏng, tài chính kém sẽ là ƯCV sáng giá hơn cả. Nhưng thế cũng không đồng nghĩa cứ đội hình nhiều sao, hầu bao rủng rỉnh là “nằm mát, ăn bát vàng”. Chỉ cần một chút sẩy chân là mọi chuyện diễn tiến theo chiều hướng tồi tệ đến không ngờ. Vì vậy, dù chưa nằm trong nhóm ƯCV xuống hạng chăng nữa nhưng cũng đừng ai vội nghĩ rằng nguy cơ này quá xa vời, hay thậm chí, không thể xẩy ra đối với mình.