Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chanh đào ít được tiêu thụ tại Đà Nẵng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoithi - Trong khi các loại chanh thường được tiêu thụ hàng chục tấn mỗi ngày, thì chanh đào mỗi ngày tiểu thương chỉ bán được vài chục kg. Ghi nhận của Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trong những ngày gần đây tại một số chợ đầu mối của TP Đà Nẵng.

Chênh lệch về giá
Hiện nay, một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương... đang bước vào chính vụ thu hoạch chanh đào, giá bán bị hạ xuống còn khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg, khiến nhiều chủ vườn có nguy cơ bị thua lỗ. Trong khi đó, giá chanh đào được các tiểu thương vận chuyển vào khu vực Đà Nẵng có sự chênh lệch lớn giữa bán lẻ tại các ki ốt và các quầy hàng.

Bà Kim Thái Chủ ki ốt 11, 12 tại chợ đầu mối Hòa Cường (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, giá chanh đào bán sỉ tại ki ốt Kim Thái hiện nay là 13.000 đồng/kg và bán lẻ là 15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại khu vực chợ đầu mối Đống Đa, Chợ Cồn (Hải Châu, Đà Nẵng) các quầy hàng bán lẻ, chanh đào có giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Nhưng trên thực tế, chanh đào lại được tiêu thụ rất chậm tại thị trường Đà Nẵng.
 Chanh thường (vỏ xanh) được người dân Đà Nẵng tiêu thụ nhiều hơn
Bà Kim Thái Chủ ki ốt 11, 12 tại chợ đầu mối Hòa Cường (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết thêm, chanh đào ở ki ốt Kim Thái được nhập vào từ đầu mối phía bắc, nhưng khoảng 5 – 6 ngày mới nhập hàng một lần và mỗi lần như thế chỉ nhập khoảng 100kg. Hiện nay Ki ốt Kim Thái là ki ốt duy nhất tại chợ đầu mối nông sản Hòa Cường nhập chanh đào về bán.

Trái ngược với sản phẩm chanh đào, sản phẩm chanh ta (vỏ vàng và vỏ xanh) lại được tiêu thụ mạnh tại thị trường Đà Nẵng, có mức giá bán ổn định và thấp hơn so với chanh đào.

Trưởng Ban QL Chợ đầu mối Nông sản Hòa Cường, Diệp Hoàng Thông Anh cho biết, mỗi ngày các tiểu thương chợ Hòa Cường nhập về bình quân khoảng 8 tấn chanh thường. Giá bán sỉ khoảng 10.000 đồng/kg, giá bán lẻ 15.000 đồng/kg.

Lý giải về việc có sự chênh lệch về nhu cầu tiêu thụ giữa sản phẩm chanh đào và chanh thường, ông Thông Anh cho rằng, do người dân Đà Nẵng quan niệm rằng chanh đào là một vị chanh để làm thuốc, người dân nào có nhu cầu ngâm chanh đào với đường phèn, mật ong làm siro trị ho thì cũng chỉ mua vài cân về ngâm để dùng dần, nên nhu cầu tiêu thụ rất ít.

Ngược lại sản phẩm canh ta có vỏ vàng và vỏ xanh lại được sử dụng như một loại gia vị hàng ngày trong các gia đình. Sản phẩm này được tiểu thương nhập về từ Tiền Giang và một số tỉnh miền Tây nam bộ.

Chanh đào có khác chanh thường?

Việc người dân truyền miệng nhau là chanh đào chủ yếu dùng để làm thuốc không sử dụng sinh hoạt, là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chanh đào ít được tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng, trong khi đó nhu cầu sử dụng sản phẩm chanh tại Đà Nẵng là khá lớn. Tuy nhiên, trên thực tế thì chanh đào và chanh thường đều có tác dụng như nhau, cùng một nhóm, cùng thành phần hóa học.

Theo đó, thành phần của chanh đào hay chanh thường đều chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C trong ruột, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc… Ngoài ra, còn chứa hàm lượng acid xi-tric nên rất có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, trong danh mục thuốc của Đông y, chanh chỉ có một loại bởi chúng có tác dụng như nhau. Chanh đào hay chanh thường đều có thể làm thuốc trị nhiều bệnh. Vỏ và lá chanh chứa nhiều tinh dầu, được dùng để trị ho, cảm cúm, hạ sốt… nên thường có trong thành phần của nồi nước lá xông.

Như vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử sụng sản phẩm chanh đào như sản phẩm chanh thường khác trong sinh hoạt hàng ngày.