“Chắp cánh” cho du lịch Ba Vì

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để “chắp cánh” cho ngành công nghiệp không khói xứ Đoài, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với UBND huyện Ba Vì triển khai nhiều chương trình, dự án giúp người dân địa phương làm du lịch cộng đồng.

Chưa xứng với tiềm năng
Cách trung tâm Hà Nội 60km về phía Tây, huyện Ba Vì là một vùng địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài. Nơi đây tập trung hơn 300 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như đình Tây Đằng, đình Thuỵ Phiêu, đình Thanh Lũng…
 Vườn quốc gia Ba Vì là địa điểm thu hút đông đảo du khách tham quan.
Bên cạnh đó, Ba Vì còn nổi tiếng với những không gian xanh của núi non, sông hồ, làng quê truyền thống. Với những lợi thế hiện có, Ba Vì đã phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch cộng đồng. Trong đó nhiều điểm đến đang thu hút du khách như Khu di tích K9 Đá Chông, Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Du lịch sinh thái ở Ba Trại…

"Muốn đạt mục tiêu đến năm 2020 đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 500 tỷ đồng, huyện Ba Vì cần phát triển nhanh hạ tầng, kỹ thuật, triển khai thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn vốn… " - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Trần Đức Hải

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: “Ba Vì hiện có khoảng 15 DN đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó xu hướng phát triển du lịch cộng đồng đang được ưu tiên”. Những năm qua, du khách đến Ba Vì ngày càng tăng cao, nhưng mức chi tiêu của khách chỉ đạt 105.000 đồng/người. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển còn nhỏ lẻ. Theo thống kê, trên địa bàn chỉ có 8/16 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao, chưa có khách sạn cao cấp, chưa có hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, trung tâm mua sắm hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách. Dịch vụ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao… Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, khả năng cạnh tranh yếu… Nguyên nhân do huyện Ba Vì chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, thiếu nguồn lực tài chính đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho phát triển du lịch.

Sẽ triển khai nhiều chương trình, đề án

Năm 2018, huyện Ba Vì phấn đấu đón từ 2,7 - 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 290 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, huyện Ba Vì sẽ đón từ 3,5 - 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 520 tỷ đồng… Để đạt mục tiêu trên, ông Đỗ Mạnh Hưng cho hay, từ nay đến năm 2020 huyện Ba Vì sẽ tập trung hoàn thiện các loại quy hoạch; kết nối DN du lịch trên địa bàn để tạo nên những tour du lịch khép kín. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên, Khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, Khu khoáng nước nóng Thuần Mỹ; Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch.

Về phía nhà đầu tư, các DN cho rằng, huyện Ba Vì cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển những sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Để du lịch Ba Vì phát triển hơn nữa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì; phối hợp với UBND huyện Ba Vì xây dựng điểm đến Làng họa sĩ Cổ Đô; hỗ trợ huyện xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn; chuẩn hóa các bài thuyết minh; hỗ trợ huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần