Là một trong 5 quốc gia mới nổi (BRIC) - nhóm đang duy trì động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, tuy nhiên Ấn Độ vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình trạng thiếu 10% nhu cầu về điện trong giờ cao điểm. Vụ việc khiến 670 triệu dân lâm vào cảnh thiếu điện, giao thông và sản xuất bị đình trệ, có thể khiến Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ giảm từ 1 - 1,5% GDP trong năm nay và đây là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế đang phát triển. Các chuyên gia cho rằng, quy mô và chất lượng của hệ thống hạ tầng tại Ấn Độ đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng và trở thành "vật cản" cho quá trình phát triển của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này. Thực tế này buộc Ngân hàng T.Ư Ấn Độ phải cắt giảm 1% dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay, xuống còn 6,5%, kém xa so với con số ấn tượng 10,1% trong năm 2010.
Trong khi đó, việc Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2012 là 7,5% - mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 8 năm qua cho thấy dự cảm của Bắc Kinh về sự giảm tốc của nền kinh tế là do sụt giảm nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, chưa thể dựa vào sức mạnh tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, việc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc trong tuần qua đã hút ròng 86 tỷ Nhân dân tệ (13,6 tỷ USD) khỏi hệ thống ngân hàng sau nhiều tuần bơm ròng liên tiếp, cho thấy sự quan ngại của các nhà quản lý về nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại. Năm ngoái, dù nhiều biện pháp kìm chế đã được ban hành nhưng "cơn bão" lạm phát vẫn để lại nhiều khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Jim O'Neill, Chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management, người đã "khai sinh" thuật ngữ BRIC cho rằng, sự giảm tốc của kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là dấu hiệu đáng lo ngại, vì nó tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Các nền kinh tế mới nổi đang tạo ra nhiều của cải hơn với một tốc độ nhanh hơn cả châu Âu và Bắc Mỹ. Năm ngoái, riêng BRIC đã đóng góp 2,2.000 tỷ USD cho tăng trưởng toàn cầu, tương đương với GDP của Italia - nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới. Vì thế, khi các quốc gia này lâm vào suy thoái, kinh tế toàn cầu sẽ mất động lực tăng trưởng, kéo theo sự đình trệ của các hoạt động sản xuất, dịch vụ cung cấp hậu cần cho những nước đang phát triển.
Mặc dù, các chuyên gia khẳng định những nước mới nổi vẫn đang là mục tiêu "săn đuổi" của nhà đầu tư lớn, ưa mạo hiểm, song dòng vốn sẽ chỉ chảy vào và ở lại lâu dài nếu các quốc gia đang phát triển tập trung đầu tư cho hệ thống hạ tầng, tạo nên sức mạnh thực sự của nền kinh tế.