Số ngày tốt và trung bình giảm
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) CLKK trên địa bàn TP Hà Nội trong tuần vừa qua có xu hướng xấu hơn so với tuần trước đó, cụ thể là số ngày tốt và trung bình giảm đi, còn số ngày xấu tăng lên thậm trí xuất hiện AQI ở mức kém.
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này AQI tăng hơn so với tuần trước, số ngày tốt và trung bình giảm, còn kém và xấu tăng lên.
Cụ thể, trạm Trung Yên 3 có 1 ngày CLKK ở mức trung bình và 1 ngày ở mức xấu chiếm 14,3%, có 2 ngày ở mức tốt chiếm 28,6% còn lại ở mức kém. Cả 3 trạm Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ đều có 2 ngày CLKK ở mức tốt và 2 ngày ở mức trung bình chiếm 28,6%, còn lại ở mức kém.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông ở UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Tuần này, chỉ số AQI cũng tăng lên so với tuần trước, tuy nhiên vẫn xuất hiện ngày nào có AQI ở mức “Tốt” với hai trạm này.
Cụ thể, trạm Minh Khai chỉ còn 1 ngày có mức tốt chiếm 14,3%, 2 ngày CLKK ở mức trung bình; 2 ngày ở mức kém và 2 ngày ở mức xấu chiếm 28,6%.
Với trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày CLKK ở mức trung bình chiếm 14,3%; có 2 ngày ở mức kém; 2 ngày ở mức xấu và 2 ngày ở mức tốt chiếm 28,6%. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt là 160 và 158 (cao hơn tuần trước đó).
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, CLKK của tuần này cũng có xu tăng giống những trạm còn lại so với tuần trước.
Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 2 ngày AQI ở mức tốt chiếm 28,6%, 1 ngày ở mức trung bình chiếm 14,3%; còn lại ở mức kém. Trạm Hàng Đậu có CLKK xấu hơn 2 trạm còn lại, có 1 ngày CLKK ở mức tốt và 1 ngày ở mức kém chiếm 14,3%, có 2 ngày ở mức trung bình chiếm 28,6%, còn lại ở mức xấu.
Phương tiện giao thông và thời tiết gây ảnh hưởng đến CLKK
Trong tuần vừa qua do sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19, người dân được yêu cầu hạn chế đi lại, hoạt động giao thông giảm rõ rệt, có mưa phùn trên diện rộng nên khói bụi và các chất gây ô nhiễm theo đó mà giảm bớt, chất lượng không khí ở đầu tuần đạt mức tốt - mức không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên vào giữa tuần và cuối tuần thì lượng xe và lượng người đi lại tăng lên, kèm theo đó là sương mù trải dài khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán nên CLKK theo đó mà xấu đi, AQI tại các trạm đều ở mức xấu và kém.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố CLKK của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Người dân có thể theo dõi Chỉ số Chất lượng Không khí AQI trong những ngày tiếp theo tại website "moitruongthudo.vn". Đây là website chính thức của Sở TN&MT Hà Nội để thông tin tới người dân chất lượng không khí nơi mình sinh sống được cập nhật liên tục hằng ngày.
Sở TN&MT Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 31/3/2020 Về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19: "Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng"'.