KTĐT - Một bản phúc trình của Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc đặc trách vùng châu Á Thái bình dương (UNESCAP) dự báo kinh tế châu Á-Thái Bình dương đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế với dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình 6,3% năm 2010, nhưng vẫn chưa ổn định cả về mức độ và tình bền vững của sự phục hồi này.
Phúc trình nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong vùng, ở mức hơn 9% trong năm tới, trong khi hai nền kinh tế lớn khác là Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ báo cáo mức tăng trưởng hơn 5%. Kinh tế gia trưởng tại UNESCAP, tiến sĩ Nagesh Kumar đưa ra nhận định: “Chúng tôi hy vọng sẽ có được mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2010, khiến cho biểu đồ tăng trưởng kinh tế sẽ có dạng chữ V. Nhưng chúng tôi phải thận trọng nói thêm ở đây rằng dự báo này tùy thuộc vào một số rủi ro tiêu cực như việc đình chỉ quá sớm các gói kích thích kinh tế, các áp lực về lạm phát cũng đã xuất hiện ở một số nền kinh tế”.
Phúc trình này của LHQ nêu rõ sự phục hổi trở lại mức độ trước khủng hoảng của các nền kinh tế châu Á -Thái Bình dương phụ thuộc rất lớn và sự phát triển bên ngoài khu vực. Nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển phục hổi có tầm quan trọng then chốt để khu vực châu Á -Thái Bình dương tăng xuất khẩu. Trong nội bộ khu vực, các nền kinh tế cũng cần tận dụng sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy hợp tác trong nội bộ khu vực để cải thiện khả năng bảo vệ mình trước nguy cơ khủng hoảng mới trong tương lai và cần thận trọng đối với việc ngừng chưa đúng lúc các chính sách hỗ trợ kinh tế .
Tiến sĩ Nagesh Kumar, cho rằng hậu quả của khủng hoảng đã khiến trục tăng trưởng toàn cầu chuyển sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực này cần có các cơ chế hỗ trợ khu vực thông qua sự hoà nhập đầu tư, buôn bán và kinh tế vĩ mô lớn hơn. UNESCAP cũng cần đảm nhiệm vai trò hàng đầu để hỗ trợ phát triển cơ cấu tài chính khu vực trong đó có việc xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng khu vực. Châu Á- Thái Bình dương cần phát triển các nguồn động lực tăng trưởng mới để duy trì động lực phát triển trong bối cảnh nhu cầu ở phương Tây vẫn yếu. Hợp tác Nam – Nam và hợp tác tam giác phát triển bao gồm các nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển nhất cần được thúc đẩy như là công cụ hiệu quả để tăng cường trợ giúp tài chính và kỹ thuật đối với các nước có nhu cầu đặc biệt trong khu vực .
N. Kumar cho rằng châu Á cần phải lệ thuộc ít hơn vào thu nhập do xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu bằng cách gia tăng sự hợp tác về kinh tế, thương mại và tiền tệ trong khu vực./.