Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Á: Gia tăng áp lực lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lạm phát đang là bài toán nan giải mà nhiều nước trên thế giới nói chung và các nước châu Á nói riêng đang phải đối phó, nhất là trong bối cảnh giá lương thực và giá dầu liên tục leo thang.

KTĐT - Lạm phát đang là bài toán nan giải mà nhiều nước trên thế giới nói chung và các nước châu Á nói riêng đang phải đối phó, nhất là trong bối cảnh giá lương thực và giá dầu liên tục leo thang.

Trong một bài viết mới đây, tờ Finance Times của Anh đã đặt câu hỏi: "Liệu các nước châu Á có chịu nổi giá dầu tăng cao trong thời kỳ lạm phát?". Theo báo này, "giá dầu tăng cao đã tác động mạnh tới khả năng kiềm chế lạm phát của nhiều nước. Giá dầu ở mức 120 USD/thùng sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng thêm 1%, của Ấn Độ là 1,3%, của Indonesia là 1,2%". Tại Pakistan, giá dầu tăng cao làm chỉ số CPI tháng 1/2011 tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nếu giá dầu duy trì ở mức 120 USD/thùng, ngân sách của Ấn Độ sẽ thâm hụt thêm 1,8%. Các nước như Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang ở trong tình trạng bị thâm thủng ngân sách như Ấn Độ. Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rajat Nag cũng vừa cảnh báo: "Chúng tôi có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng của châu Á. Nếu tình hình hiện tại ở Trung Đông tiếp tục, nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở khu vực này, với việc giá xăng dầu tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát".

Các số liệu cho thấy, áp lực lạm phát dường như đè nặng các quốc gia châu Á hơn là các khu vực khác. Theo chuyên gia Park Donghyun của ADB, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng của châu lục này vượt khá xa tăng trưởng kinh tế của Mỹ và châu Âu. Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương một loạt nước châu Á đua nhau tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, các nhà đầu tư vẫn lo ngại tốc độ phát triển quá nóng. Một số nước châu Á đã sử dụng biện pháp trợ cấp các mặt hàng thiết yếu để đối phó với tình trạng giá cả leo thang. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo, biện pháp này có thể làm biến dạng nền kinh tế và khiến lạm phát tăng cao hơn do nó khuyến khích người tiêu dùng chi nhiều hơn khả năng tài chính của họ. Một trong những giải pháp được Tiến sỹ Frederic Neumann, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á của Tập đoàn HSBC đưa ra là các nước châu Á nên tăng thuế, đặc biệt là đối với người giàu. Theo đó, Chính phủ các nước có thể tiến hành tăng tỷ lệ áp thuế thu nhập, tăng các loại thuế bán hàng và thuế giá trị gia tăng (VAT), cuối cùng là tăng tỷ suất thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng tăng thuế cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng do tình hình kinh tế tại mỗi quốc gia rất khác nhau. Thuế đánh vào doanh nghiệp quá cao, có thể khiến họ thu hẹp đầu tư, sản xuất cầm chừng khiến hàng hoá khan hiếm và bị "làm giá". Đó là chưa tính đến tác động sâu xa là thất nghiệp tăng cao, dẫn đến nhiều bất ổn về kinh tế - xã hội...

Tại Trung Quốc, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương cho biết: "CPI tháng 1/2011 đã ở mức 4,9%, vượt quá mục tiêu của Nhà nước đề ra là hạn chế ở mức 4%. Sức ép lạm phát đang tác động mạnh mẽ tới kiểm soát vĩ mô của Trung Quốc. Bởi vậy, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp chính sáchquyết liệt kiềm chế lạm phát." Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các gói giải pháp, bao gồm: thúc đẩy nhu cầu trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nâng lương và phúc lợi xã hội, tiến hành cải cách giá hàng nguyên vật liệu, nới lỏng đầu tư nước ngoài, thực hiện tỉ giá hối đoái linh hoạt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Dịch Cương cũng cho biết, phương châm kiềm chế lạm phát của Trung Quốc được gói gọn trong 12 chữ là:"Tăng nội nhu, chỉnh kết cấu, giảm xuất siêu, giữ cân bằng”.