Thách thức mang tên ADIZ
Hơn một tuần sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập ADIZ tại biển Hoa Đông, Phó Tổng thống Mỹ John Biden hôm 1/12 đã gấp rút thực hiện chuyến công du Đông Bắc Á kéo dài một tuần. Tại chặng dừng chân Tokyo và Seoul, ông Biden có cuộc gặp với các quan chức chủ nhà nhằm bàn thảo, thống nhất quan điểm, hành động đối với vấn đề Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Ở Bắc Kinh, Phó Tổng thống Biden sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường tập trung vào các vấn đề kinh tế, tiền tệ, các điểm nóng của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Biden sẽ nêu ra các quan ngại về ADIZ mà Bắc Kinh vừa thiết lập để tìm cách giảm thiểu những căng thẳng trong khu vực.
Hiện chưa rõ kết quả chuyến thăm Đông Bắc Á của ông Biden sẽ ra sao nhưng các nhà quan sát nhận định, trong ván cờ mang tên ADIZ, Trung Quốc đang trở thành bên bị thua thiệt. Vì ngay khi tuyên bố thiết lập ADIZ, Bắc Kinh đã đẩy chính mình vào thế đối lập với các nước trong khu vực, đồng thời tạo cơ hội vàng để Mỹ thực hiện chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương.
Thái Lan - diễn biến nguy hiểm
Mặc dù đã cố gắng kìm chế nhưng trước sức ép của những người biểu tình muốn hoàn thành mục tiêu chiếm tòa nhà Chính phủ vào ngày 1/12, lực lượng an ninh Thái Lan đã phải dùng đến các biện pháp mạnh để giải tán đám đông quá khích. Máu đã đổ trên các con đường của Bangkok khi ít nhất 4 người đã thiệt mạng, 54 người đã bị thương trong khi hàng chục ngàn người chống Chính phủ vẫn đang cuốn vào một đợt bùng phát biểu tình lớn nhất kể từ năm 2010. Tình thế phức tạp đã buộc Thủ tướng Yingluck phải hoãn chuyến thăm Nam Phi được lên kế hoạch vào sáng 1/12.
Cơ hội mới từ Nam Á
Cũng liên quan đến sự ổn định của châu Á, chuyến thăm kéo dài 1 ngày của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tới Afghanistan hôm 30/11 được cho là một bước tiến quan trọng để duy trì an ninh tại khu vực Nam Á. Chuyến thăm Afghanistan đầu tiên của ông Nawaz Sharif kể từ khi được bầu giữ chức Thủ tướng hồi tháng 6 vừa qua cho thấy quyết tâm cải thiện mối quan hệ với Kabul của người đứng đầu Chính phủ Pakistan.
Mối quan hệ chất chứa nghi kỵ, bất đồng giữa Kabul - Islamabad kéo dài suốt nhiều năm qua đã được cải thiện đáng kể sau các chuyến công du con thoi giữa lãnh đạo hai nước. Trong bối cảnh lực lượng NATO và quân đội Mỹ sắp rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, nguy cơ bất ổn từ các nhóm phiến quân cực đoan đã buộc Afghanistan - Pakistan phải thực hiện cái bắt tay chiến lược. Sự xích lại gần nhau trong quan điểm và hành động của Kabul - Islamabad không chỉ hâm nóng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng mà còn tạo ra hy vọng về một giai đoạn ổn định hơn cho Nam Á.
Thái Lan đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại Bangkok do sự quá khích của người biểu tình chống Chính phủ. Ảnh: AFP
|